Liệu Việt Nam có đủ khả năng chống cúm A(H7N9)?

Dịch cúm A(H7N9) tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi đó, việc giám sát, phát hiện ổ dịch là rất khó khăn do gia cầm nhiễm virút không có biểu hiện bệnh. Vậy liệu Việt Nam có đủ khả năng để phòng chống cúm A(H7N9)?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Diễn tập phòng chống cúm A(H7N9) tại huyện Thường Tín, Hà Nội.

Thời điểm này, nguy cơ lây lan dịch cúm A(H9N9) từ Trung Quốc vào Việt Nam còn “nóng” không, thưa ông?

Tình hình dịch cúm gia cầm vẫn diễn biến rất phức tạp, đây là lần dịch cúm A(H7N9) bùng phát thứ 5 tại Trung Quốc với quy mô mắc lan rộng về địa bàn, lan nhanh về số lượng. Đáng nói, trước đây, Trung Quốc rất khó khăn trong việc tìm virút gia cầm, nhưng nay đã phát hiện ở 10% mẫu môi trường và 15% mẫu gia cầm. Sự sự xuất hiện dày đặc hơn của virút này càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh từ gia cầm lên người.


Hiện nay, Bộ Y tế nhận định dịch cúm A(H7N9) xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Bộ cũng đã nâng mức cảnh báo dịch vì Việt Nam có đường biên dài với Trung Quốc, tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu vẫn diễn ra phức tạp qua đường mòn lối mở. Thời gian qua, giá gia cầm Trung Quốc giảm mạnh, chỉ khoảng 5 nhân dân tệ/kg, tương đương 17.000 đồng/kg. Nếu người dân vì lợi nhuận tiếp tục nhập lậu gia cầm thì khả năng dịch lây lan rất cao. Trong khi đó, tập quán chăn nuôi, giết mổ gia cầm trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh…


Liệu Việt Nam có đủ khả năng phòng chống dịch cúm A(H7N9) không, thưa ông?


Chúng tôi tin với năng lực hiện nay, chúng ta hoàn toàn có khả năng phát hiện ngăn chặn sự lây lan của cúm A(H7N9).


Ngay khi có thông tin về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, ngành Y tế và Nông nghiệp đã phối hợp với nhau để tăng cường giám sát ca bệnh trên người, nhất là trên đàn gia cầm. Nếu phát hiện virút gia cầm sẽ kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, tránh lây lan rộng ra cộng đồng.


Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã thực hiện giám sát virút cúm trên gia cầm, môi trường chăn nuôi; ngành y tế cũng lấy mẫu trên người để xét nghiệm. Đến nay, tất cả các mẫu đều âm tính với virút cúm A(H7N9).


Được biết, ngành nông nghiệp đã bắt đầu triển khai xét nghiệm phát hiện virút nhanh ngay thực địa, tức có thể kiểm tra ngay tại chợ và sẽ có kết quả về lây nhiễm virút ngay sau 1 tiếng. Đầu tuần, Hà Nội lần đầu tiên tổ chức diễn tập phòng chống cúm ở cấp huyện; thứ 6 tới, Lạng Sơn cũng diễn tập cấp tỉnh với mục đích chính là ngăn chặn gia cầm nhập lậu. Trong các cuộc diễn tập đều đề ra các tình huống giả định thiết thực và có sự phối hợp thực hiện chặt chẽ giữa các sở, ngành.


Nhưng khi có ca bệnh nhiễm cúm A(H7N9) trên người thì ngành Y tế có đủ máy thở, thuốc men và chẩn đoán được sự biến đổi của virút không?


Ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng về trang thiết bị, máy thở và thuốc kháng virút. Chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở y tế tiến hành ra soát, chuẩn bị về thuốc men, cơ sở vật chất, đặc biệt là khu vực cách ly khi có ca bệnh nghi ngờ.


Về khả năng chẩn đoán xét nghiệm, chúng ta có hệ thống phòng xét nghiệm trên toàn quốc, đặc biệt các Trung tâm cúm quốc gia đều đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Do đó, Việt Nam đã chủ động được việc xét nghiệm chẩn đoán xác định các chủng virút cúm gia cầm bao gồm cả cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) đồng thời có thể giải trình tự gien để phát hiện sự biến chủng của virút.


Gia cầm nhiễm virút cúm A(H5N1) thường ốm, chết, nhưng nếu nhiễm virút A(H7N9) thì không có biểu hiện bệnh nên rất khó phát hiện và phòng tránh. Vậy người dân cần phòng tránh bệnh dịch này như thế nào?


Ngành Y tế và Nông nghiệp đều đã có những khuyến cáo tới người dân, nhất là đối với người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm.


Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân thay đổi tập quán chăn nuôi, giết mổ gia cầm. Cần chú trọng công tác tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, giết mổ kinh doanh gia cầm. Người dân hoàn toàn có thể chủ động dùng vôi bột để khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh.


Đặc biệt, người dân không ăn tiết canh, gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Nếu có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.


Xin cảm ơn ông!


Bài và ảnh: Phương Liên
Hà Nội gấp rút 'tập' xử lý ổ dịch cúm A(H7N9)
Hà Nội gấp rút 'tập' xử lý ổ dịch cúm A(H7N9)

Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, nhất là virus cúm A(H7N9) từ Trung Quốc có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta, ngày 13/3/2017, Thành phố Hà Nội đã tổ chức diễn tập phòng chống dịch cúm gia cầm cấp huyện với sự tham gia của tất cả các ngành y tế, thú y, công an…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN