Tham dự buổi lễ có ông Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương; Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam và đại diện gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang... đã gửi lẵng hoa chúc mừng Lễ Kỉ niệm.
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Vũ Đại Thắng đã đọc Diễn văn ôn lại cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng và tri ân những cống hiến to lớn của vị tướng tài đức Đồng Sỹ Nguyên đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang dân tộc.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Trong suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng của Đảng và dân tộc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được biết đến trên nhiều cương vị khác nhau, song dấu ấn sâu sắc nhất gắn liền với những chiến công vẻ vang là những năm tháng được giao trọng trách Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Tên tuổi của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã gắn liền với đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt nhất, ông đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, cùng với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, hợp với thực tiễn chiến đấu của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn đã phát triển thành một hệ thống giao thông vận tải quân sự lớn, một “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”… Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã làm tròn sứ mệnh chuyển tải cơ sở vật chất, vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, cả chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến trường miền Nam.
Bên cạnh đó, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn chỉ đạo công tác tổ chức giúp đỡ nước bạn Lào một cách hiệu quả. Với tư duy nhạy bén, mang tầm chiến lược về nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng dọc theo tuyến hành lang, vừa mang ý nghĩa quốc tế, liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc, vừa có ý nghĩa trực tiếp với việc giữ vững và phát triển tuyến chi viện chiến lược.
Sau ngày đất nước thống nhất, trên các vị trí, trọng trách được giao, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn thể hiện tinh thần quyết liệt, sâu sát thực tiễn, không ngừng học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, khẳng định vai trò của nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong những người đề xuất ý tưởng xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh nối liền đất nước trên nền của tuyến đường mòn Trường Sơn huyền thoại. Khi đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt, dù đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức yếu nhưng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ đôn đốc việc thực hiện mở đường. Những bài học kinh nghiệm, tổng kết công tác chỉ huy trong chiến đấu, lãnh đạo, điều hành trong xây dựng và phát triển đất nước của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn còn nguyên giá trị, là di sản quý giá cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo.
Trong Diễn văn kỷ niệm, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình khẳng định: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một vị chỉ huy luôn dành tình thương yêu tha thiết, trọn vẹn nghĩa tình với đồng chí, đồng đội. Ông đã đề xuất chủ trương, tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt liệt sỹ hy sinh ở Tây Trường Sơn đưa về nước và xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa quy mô nhất, thể hiện lòng biết ơn vô hạn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đến với các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nơi đây trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước, nhắc nhở các thế hệ mai sau về một thời kỳ oanh liệt, một thiên anh hùng ca trong lịch sử cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.
Với quê hương Quảng Bình, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn dành tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt. Ông luôn trăn trở và có nhiều ý kiến chỉ đạo, gợi mở, góp ý quan trọng giúp địa phương có những định hướng trong phát triển kinh tế – xã hội, ổn định an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống cho nhân dân…
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình cho biết: Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, khắc sâu lời dạy và tâm nguyện của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, những năm qua, trong công cuộc kiến thiết và phát triển quê hương, tỉnh Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và phấn khởi. Để xứng đáng với lòng mong mỏi, tâm nguyện của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, thời gian tới, Quảng Bình quyết tâm đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra… Học tập, noi gương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và các bậc tiền bối tiêu biểu, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Bình nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn; ra sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.
Trong cảm xúc dâng trào, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn xúc động, bày tỏ lòng kính trọng, sự ngưỡng mộ và tri ân đối với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; đồng thời kể lại những kỷ niệm sâu sắc với vị tướng tài đức của mình. Lần đầu, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn được gặp Tư lệnh là tại hội nghị tập huấn chuẩn bị cho chiến dịch vận tải mùa khô 1967 - 1968.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể: “Hội nghị được tổ chức tại Hội trường (bán âm) Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh. Lần đầu tiên được tiếp xúc với Tư lệnh, tôi như bị ông hớp hồn bởi khuôn dung sáng, đẹp, vóc dáng, tầm thế rất phong độ, đầy cuốn hút… Ngay từ ngày đó, tôi đã thầm nghĩ được cộng tác, chiến đấu dưới sự chỉ huy của Tư lệnh, được làm lính của ông là may mắn, hạnh phúc của tôi và nhiều đồng đội tôi”. Sau này, điều ước đó của ông cũng đã thành hiện thực.
“Những kỷ niệm về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong những ngày trên tuyến lửa Trường Sơn, ấn tượng về vị Tư lệnh vận dụng tài tình tư tưởng tiến công và nghệ thuật quân sự vào vận tải quân sự chiến lược, từ đó đảo ngược thế trận “đánh địch mà đi, mở đường mà vận chuyển” ở Trường Sơn ngày ấy mãi không phai mờ trong tôi”, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Đại diện cho thế hệ trẻ phát biểu tại buổi lễ, em Nguyễn Lê Tâm Hạnh, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình bày tỏ: Tuổi trẻ chúng em hôm nay may mắn sinh ra và lớn lên trong hòa bình, độc lập, tự do, chúng em luôn ý thức sâu sắc rằng: mỗi phút giây bình yên được sống, mỗi thành quả mà tuổi trẻ được thụ hưởng hôm nay đều phải đánh đổi bằng rất nhiều sự hy sinh, mất mát lớn lao của biết bao người con Việt Nam yêu nước... Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của những vị tướng huyền thoại trong đó có vị tư lệnh Trường Sơn - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn là động lực to lớn để tuổi trẻ chúng em không ngừng học tập, rèn luyện, cống hiến để góp sức trẻ hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tại buổi Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, các đại biểu cũng đã có những cảm xúc đặc biệt khi được xem các tiết mục nghệ thuật đặc sắc được dàn dựng công phu, do các ca sỹ, nghệ sỹ, diễn viên của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam và các đoàn nghệ thuật biểu diễn. Các tiết mục đã khắc họa chân dung của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên một cách rõ nét và chân thực bằng nghệ thuật; thể hiện sự hy sinh gian khổ, ác liệt của các thế hệ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những người đã góp phần làm nên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.