Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1923 (Quý Hợi) ở thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình).
Xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng (Theo Di tích Từ đường, cha ông là ông Nguyễn Hữu Khoán và mẹ là bà Đặng Thị Cấp, đều là những hậu duệ của thủ lĩnh Phong trào Cần Vương), Nguyễn Hữu Vũ sớm có tinh thần chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1936, Nguyễn Hữu Vũ bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng dưới sự hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Huyên (bí danh là Tế - một cán bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương). Năm 1937, Nguyễn Hữu Vũ lấy tên là Nguyễn Văn Đồng.
Năm 1939, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1947, ông đổi tên thành Đồng Sỹ Nguyên để dễ hoạt động trong vùng địch hậu và tránh liên lụy tới gia đình. Cái tên này đã gắn bó với ông trong cuộc đời còn lại.
Như cây non trải qua bao phong ba bão táp, sóng gió cuộc đời, từ cậu bé sinh ra ở một miền quê lam lũ, bần hàn như bao miền quê Việt dưới thời đế quốc, thực dân, Đồng Sỹ Nguyên đã vượt lên mọi khó khăn, thử thách, từng bước trưởng thành.
Vì thấy bất công, tàn bạo dưới chế độ cũ, ông đã quyết chí đi tìm chân lý, rèn luyện, trưởng thành, làm Bí thư chi bộ làng rồi đảm đương nhiều vị trí, trọng trách mà Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội giao phó. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Dân tộc và Quân đội.
Dấu son chói lọi trong hơn 70 năm hoạt động cách mạng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là những năm tháng ông được trao trọng trách: Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn. Với nhiệm vụ tổ chức xây dựng và khai thác con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, chi viện sức người và khí tài hậu cần cho chiến trường miền Nam, phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1975) cũng là giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt nhất. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, cùng với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, hợp với thực tiễn chiến đấu của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn không còn những con đường đơn lẻ mà phát triển thành một hệ thống giao thông vận tải lớn, với hàng chục hàng trăm ngả như "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm".
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cùng Bộ Tư lệnh chỉ đạo tạo mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc Bắc - Nam; Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả ba nước Đông Dương; nhiều trục ngang nối hai sườn Đông - Tây, nối tất cả các chiến trường, tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn và đồng bộ, đa dạng và kỳ hình.
Đây thực sự “là một hệ thống giao thông vận tải quân sự lớn nhất với nhiều trục dọc, trục ngang có độ dài 17.000 km, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km, đường sông dài 600 km; có đường giao liên hành quân bộ và tải thương dài 1.200 km, mạng thông tin đường dây tải ba dài 1.350 km” (trích cuốn sách “Vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh”, tác giả Phan Hữu Đại, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2012).
Chính trên những cung đường huyền thoại đó, hàng chục vạn bộ đội, thanh niên xung phong cùng phương tiện ô tô, xe cơ giới, máy móc, pháo cao xạ ngày đêm đương đầu với địch trong mưa bom bão đạn, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Hệ thống đường Trường Sơn thực sự là chiến trường khốc liệt giữa nỗ lực của chính phủ miền Bắc chi viện cho quân Giải phóng miền Nam và lực lượng quân Mỹ, đồng minh. Quân đội Mỹ và đồng minh đã tìm mọi cách từ thô sơ đến hiện đại nhất nhằm mục đích cắt đứt con đường vận tải chiến lược này.
Nhưng bằng sự mưu trí, sáng tạo, với bản lĩnh và ý chí quyết tâm phấn đấu đến cùng vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và bộ đội Trường Sơn đã thực hiện thành công công cuộc chi viện cho chiến trường miền Nam, làm thất bại mọi âm ưu chiến lược của kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội, để lại những dấu son chói lọi trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã làm tròn sứ mạng chuyển tải cơ sở vật chất, vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, cả chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, thỏa mãn mọi nhu cầu, bảo đảm cho chiến trường đánh to thắng lớn.
Đặc biệt, tuyến đường góp phần rất quan trọng vào các quá trình thắng lợi của chiến tranh miền Nam nước ta, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh còn là một phát kiến của nghệ thuật chiến tranh Việt Nam.
Con đường tạo thế và lực cho chiến tranh nhân dân miền Nam, con đường chia cắt địch, là nơi xuất phát tiến công của các binh đoàn cơ động chiến lược. Chính nơi đây đã sáng tạo ra một kiểu tổ chức vận tải chiến lược, một binh đoàn binh chủng hợp thành lấy bộ đội vận tải làm trung tâm.
Hồi tưởng lại ký ức hào hùng chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã từng chắp bút: “kỳ tích mà Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã lập nên trên tuyến đường mang tên Bác, vĩnh viễn đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca.
Khó có một tài năng nào, không giấy bút nào có thể ghi lại đầy đủ trí thông minh tuyệt vời, tinh thần dũng cảm vô song, sự hy sinh cao cả, tình đồng chí đồng đội sắt son, sâu sắc, cảm động… của những con người đã từng sống, chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại; đặc biệt là những chiến sĩ đã hy sinh vì sự sống của con đường và để đất nước trường tồn, phồn vinh” (trích Hồi ký “Với cả cuộc đời”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2007).
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng hết sức khiêm nhường, không bao giờ ỷ vào quyền lực để áp đặt mà ôn hòa lắng nghe, trao đổi, thương mến đồng chí đồng đội. Mỗi trận thắng, từng chiến công có được, với ông đó đều là thành tích và công lao của cả tập thể; trường hợp gặp thất bại hoặc chưa thành công ông đều nhận trách nhiệm về mình. Đó là điều không phải ai cũng làm được.
Thiếu tướng Bùi Đức Tạm, nguyên Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã viết: “Sự nghiệp vĩ đại của đường Trường Sơn anh hùng là do công sức, mồ hôi, trí tuệ của nhiều thế hệ cũng như hàng vạn liệt sỹ anh hùng đã hy sinh xương máu trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, nhưng chúng ta không thể quên công lao to lớn của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên trong xây dựng và chiến đấu trên tuyến đường....
Đồng chí xứng đáng là một trong những vị danh tướng tài ba của đất nước ta, của thời đại Hồ Chí Minh” (trích cuốn sách “Vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh”, tác giả Phan Hữu Đại, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân).
Cảm phục và trân quý vị thủ lĩnh có tài thao lược, Đại tá Phan Hữu Đại - một cán bộ chiến đấu suốt 10 năm trên đường Trường Sơn dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tướng Đồng Sỹ Nguyên - tác giả cuốn sách “Vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh” đã viết: “Tướng Đồng Sỹ Nguyên có cuộc đời hoạt động chiến đấu thật phong phú.
Nhưng cung bậc cao nhất là sự vật lộn trên chiến trường 559, chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh suốt 10 năm trường. Nơi đây ông đã tỏa sáng như một ngôi sao sáng tỏ nhất. Chính sự tỏa sáng ấy mà hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ chiến đấu cùng ông trên con đường đó đã làm nên một con đường vinh danh là huyền thoại”.
“Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng tài ba... có công lao lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt đồng chí có công lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh...
Đối với tôi, Tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết, gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến”. Đây là những lời nhận xét sâu sắc, khách quan, toàn diện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Hồi ký “Với cả cuộc đời” khi nói về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - người đồng chí, đồng đội, đồng hương mà Đại tướng đặc biệt quý mến.
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được ngợi ca như một huyền thoại, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân ta và sẽ đi vào lịch sử như một kỳ tích của dân tộc Việt Nam. Lịch sử và thế hệ hôm nay, mai sau mãi khắc ghi, tưởng nhớ những đóng góp, hy sinh xương máu của lớp lớp cha anh đi trước, đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho hôm nay. Hình ảnh về vị danh tướng Đồng Sỹ Nguyên tài trí, đức độ sẽ mãi là ngọn đuốc thiêng soi rọi cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.