Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hiện dịch tả lợn châu Phi lan nhanh tại các tỉnh phía Bắc; trong đó, bệnh đã xuất hiện tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dự báo, thời gian tới, dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ lây lan từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh phía Nam và từ Campuchia qua các tỉnh tiếp giáp biên giới của Việt Nam; trong đó có An Giang là rất cao. Việc lây bệnh chủ yếu là do mua bán, vận chuyển lợn từ những nơi có dịch.
Tại An Giang, mặc dù dịch tả lợn châu Phi chưa xảy ra, tuy nhiên để kịp thời ứng phó bệnh, hiện tỉnh An Giang đã thành lập Đội ứng phó nhanh về phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, chung chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn và có biện pháp kịp thời khi phát hiện bệnh; trong đó ngành nông nghiệp tỉnh An Giang tập trung thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch bệnh tại gốc và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn....
Nhằm ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, hiện tỉnh đã thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các huyện, thành phố như: Thoại Sơn, An Phú, Tân Châu, Tri Tôn, Châu Đốc, Long Xuyên gồm lực lượng thú y, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường kiểm soát 24/24 giờ đối với hoạt động vận chuyển, mua bán lợn và các sản phẩm lợn nhập vào An Giang.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm cũng cho biết, An Giang sẽ thành lập chốt kiểm dịch tạm thời tại các huyện Thoại Sơn, Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu, Châu Đốc và thành phố Long Xuyên; trong đó có hai chốt đường thủy trên sông Tiền tại huyện Chợ Mới và sông Hậu tại thành phố Long Xuyên để chặn dịch tả lợn châu Phi
Ông Trần Tiến Hiệp, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết, trong trường hợp An Giang xảy ra dịch tả lợn châu Phi, các cơ quan chức năng sẽ thực lấy mẫu xét nghiệm và tiêu huỷ lợn, các sản phẩm từ lợn bệnh; đồng thời thực hiện các giải pháp khống chế, chống dịch như: giải pháp khoanh vùng ổ dịch; giải pháp về vận chuyển, giết mổ và triển khai các giải pháp an toàn sinh học và tái đàn sau khi hết dịch...
Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã chỉ đạo các Trạm chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai ngay các hoạt động kiểm tra, giám sát đến tận hộ chăn nuôi; trong trường hợp phát hiện lợn, sản phẩm từ lợn nghi bệnh dịch tả lợn châu Phi thì báo cáo nhanh về Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhằm ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh lây lan.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang, hiện đàn lợn của tỉnh An Giang có hơn 113.000 con lợn; đàn lợn nái có gần 19.000 con, đàn lợn thịt có hơn 93.300 con.