Các địa phương xử lý triệt để ổ dịch tả lợn châu Phi

Chính quyền các địa phương đã chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với người dân nỗ lực khoanh vùng, khống chế dịch tại chỗ.

Sau gần 20 ngày xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 7/8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trước tình hình hình trên, chính quyền đã chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với người dân nỗ lực khoanh vùng, khống chế dịch tại chỗ đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế sự lây lan, bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. 

Chú thích ảnh
Người dân huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng lợn. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Theo khuyến cáo của cơ quan thú y, đối với các hộ xuất hiện lợn dịch cần thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh bằng vôi bột và hóa chất 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên và 3 lần/tuần trong các tuần tiếp theo.

Bên cạnh đó, yêu cầu người dân không nhập đàn mới cho đến khi tình hình dịch ổn định và có quyết định thông báo hết dịch của các cơ quan chuyên môn. 

Cùng với đó, tỉnh Bắc Ninh đã huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác khống chế, xử lý dịch. Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, tăng cường giám sát chặt chẽ phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra, đặc biệt những nơi chăn nuôi quy mô lớn, nguy cơ lây nhiễm cao.

Ông Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi các phương tiện truyền thông thông tin xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trong phạm vi cả nước, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức các lớp tập huấn về phòng, chống xử lý dịch bệnh. Ngay sau đó, Gia Bình đã thực hiện nghiêm chỉnh các giải pháp không để dịch bệnh xuất hiện, lây lan. Đến nay, Gia Bình là huyện duy nhất trong tỉnh Bắc Ninh chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Bình, đây là địa phương có quy mô nông nghiệp lớn, có 55 hộ chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại với khoảng 40.000 con lợn. Bởi vậy, phòng chống dịch được đặt lên hàng đầu.

Ngành nông nghiệp huyện Gia Bình đã tăng cường tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm và cách phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, đã đề xuất ủy ban nhân dân huyện thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh từ huyện đến xã. Bên cạnh đó, giao trách nhiệm cho các thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh giám sát chặt chẽ, hướng dẫn người dân, tăng cường các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường công cộng. Đặc biệt, đối với những xã giáp ranh vùng có dịch, Gia Bình huy động thêm nguồn nhân lực, hóa chất phòng dịch. 

Theo Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh, đến nay, các ổ dịch tả lợn châu Phi cơ bản được khống chế, có ổ dịch sau 10 ngày không xuất hiện thêm dịch mới. Đồng thời khuyến cáo người dân không nên giết mổ, cho, tặng vật nuôi nhiễm bệnh. Khi lợn có biểu hiện mắc bệnh cần báo cáo các cơ quan chức năng. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có cơ chế hỗ trợ đối với lợn buộc phải tiêu hủy là 38.000/kg. Đây là sự hỗ trợ, điểm tựa cho người dân yên tâm sản xuất.

Trong khi đó, tại tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn cho biết, trên địa bàn vừa xuất hiện một ổ dịch tả lợn châu Phi, hiện chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý an toàn, triệt để, không để lây lan ra các hộ nuôi chung quanh.

Toàn xã Nam Nghĩa hiện có hơn 1.600 con lợn, chủ yếu tập trung tại 48 gia trại lớn nhỏ. Sau khi có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi, xã Nam Nghĩa đã lập 2 chốt chặn trên địa bàn, nghiêm cấm tuyệt đối tình trạng vận chuyển lợn ra vào địa bàn xã Nam Nghĩa.

Tính đến thời điểm hiện nay, huyện Nam Đàn là địa phương thứ 3 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có lợn chết dương tính với dịch tả châu Phi, sau huyện Quỳnh Lưu và huyện Tân Kỳ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An khuyến cáo, người dân không được giấu dịch khi phát hiện lợn bị ốm hoặc chết không rõ nguyên nhân; không giết mổ, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khi phát hiện lợn dịch.

Đối với tỉnh Lạng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng, Nguyễn Đình Trường vừa ký Quyết định số 687/QĐ-UBND ngày 1/4/2019 về việc công bố dịch tả lợn châu Phi tại thôn Còn Ngòa, xã Thụy Hùng. Theo đó, vùng dịch uy hiếp xác định gồm: các thôn Nà So - Nà Luông, Bản Tả, Na Hình, Pác Cáy (xã Thụy Hùng), các thôn Còn Bó, Pá Chí, Pác Cú, Tằng Cạo, Bản Tát (xã Thanh Long).

Vùng đệm xác định gồm địa bàn các xã tiếp giáp với vùng bị dịch uy hiếp, gồm các thôn còn lại của xã Thụy Hùng, Thanh Long; xã Trùng Khánh, An Hùng và các thôn Bản Vạc, Lũng Thuông, Đoàn Kết, thôn Nà Liệt Trong (xã Trùng Quán); các thôn Bản Tích, Thâm Cun (thị trấn Na Sầm); các thôn Khung Slam, Thâm Mè, Nà Khách, Lũng Cùng (xã Hoàng Việt).

Thông tin thêm về dịch tả lợn châu Phi tại thôn Còn Ngòa, xã Thụy Hùng, đại diện chính quyền xã cho biết, ngày 28/3/2019, trên địa bàn thôn Còn Ngòa có một số con lợn bị chết và có kết quả lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau đó, huyện Văn Lãng đã tiến hành khoanh vùng, phun khử trùng, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, tuyên truyền, lập chốt chặn và tổ chức tiêu hủy 131 con lợn. Hiện nay, huyện Văn Lãng đang khẩn trương tìm 8 con lợn bị xổng và sẽ tiến hành tiêu hủy ngay sau khi tìm được.

Nhằm hạn chế thấp nhất dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn, tỉnh Bạc Liêu đã và đang tăng cường, thực hiện nhiều giải pháp với sự chủ động, quyết tâm của các ngành, các cấp và người dân, góp phần phát triển đàn lợn trên địa bàn bền vững.

Tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra các vùng chăn nuôi tập trung, những nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao để kiểm tra, giám sát dịch bệnh, nếu phát hiện lợn nghi mắc bệnh dịch tả, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh và có hướng xử lý tiêu hủy kịp thời, thực hiện chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định; không để dịch bệnh phát sinh và lây lan diện rộng.

Tỉnh cũng tăng cường thanh, kiểm tra việc mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn và xử lý nghiêm những vi phạm trong mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định, nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, dịch tả lợn châu Phi bệnh đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan diện rộng do việc mua bán vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn có mang mầm bệnh từ vùng dịch đến nơi khác, đặc biệt hiện nay lợn từ các tỉnh phía Bắc đang có dịch vận chuyển vào Nam bán chưa được kiểm soát chặt chẽ do đó nguy cơ phát sịnh dịch bệnh rất cao.

Tính đến ngày 28/3, theo số liệu của Cục Thú y, dịch  tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 476 xã, của 91 huyện, thuộc 23 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 73.000 con.
 

Nhóm Phóng viên (TTXVN)
Thái Bình xây dựng kịch bản phòng chống dịch tả lợn châu Phi khi diễn ra trên diện rộng
Thái Bình xây dựng kịch bản phòng chống dịch tả lợn châu Phi khi diễn ra trên diện rộng

Để hạn chế thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra, UBND tỉnh Thái Bình vừa ban hành công điện khẩn số 05.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN