Kiểm soát dịch tả lợn châu Phi để bình ổn thị trường chăn nuôi

Chiều 29/3, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa gửi báo cáo tổng hợp tới Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về kết quả làm việc của hai Đoàn kiểm tra và phối hợp các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, sau khi kiểm tra tại 5 tỉnh Ninh Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định và Thái Bình, hai Đoàn kiểm tra đã kiểm soát được 674 lượt phương vận chuyển lợn; xử phạt vi phạm hành chính gần 89,4 triệu đồng. Bên cạnh đó, buộc tiêu huỷ 37 con lợn, 499 kg thịt lợn; buộc vận chuyển quay trở lại nơi mua để nuôi nhốt cho đến khi hết dịch 49 con lợn.

Chú thích ảnh
Tiêu hủy lợn ốm chết tại thôn Thượng Cầm, xã Vũ Lạc (địa phương đầu tiên của thành phố Thái Bình xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi) ngày 27/3/2019. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Ông Trần Hữu Linh-Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, qua kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương công bố dịch, do thành lập nhiều các chốt kiểm dịch siết chặt việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào địa phương gây khó khăn cho nhiều hộ, trang trại chăn nuôi không nằm trong vùng dịch, vùng dịch bị uy hiếp có lợn khỏe và đã đến thời điểm xuất chuồng.

Hơn nữa, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lây lan ra diện rộng, trong khi đó lực lượng tham gia phòng, chống dịch còn mỏng, trang, thiết bị phục vụ lấy mẫu, khử trùng, tiêu độc, chống dịch bệnh còn thiếu. Kinh phí hoạt động cho các Đoàn kiểm tra liên ngành, các chốt kiểm dịch động vật liên ngành của tỉnh, huyện, thành phố còn gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, nhiều địa phương đã đề xuất việc xây dựng chương trình, đề án hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi các động vật khác để đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Đồng thời, xem xét ban hành quy định không chăn nuôi lợn trong khu dân cư theo lộ trình để người chăn nuôi có thời gian chuyển đổi ngành nghề nhằm tránh ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Cùng đó, kiến nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho phép tiếp tục cho vay, khoanh nợ, giãn nợ đối với những hộ có lợn tiêu hủy theo quy định để chủ hộ tiếp tục tái đàn chăn nuôi, chuyển đổi ngành nghề.

Ông Trần Hữu Linh khẳng định: Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan thông qua việc vận chuyển, kinh doanh lợn và các sản phẩm từ lợn, thời gian tới lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, đơn vị liên quan nghiêm túc, khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đặc biệt, lực lượng sẽ chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra tại đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, tiếp tục cử công chức tham gia Ban Chỉ đạo, Tổ công tác phòng chống dịch và tham gia trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch ở các đầu mối giao thông do UBND các tỉnh, thành phố thành lập để hỗ trợ các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Theo ông Trần Hữu Linh, hiện nay mặc dù đang xảy ra bệnh dịch nhưng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tháng 2/2019 đàn lợn cả nước tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018, do đó trong thời gian ngắn trước mắt chưa xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn nhưng không loại trừ khả năng có những diễn biến bất thường của giá lợn hơi và thịt lợn trong năm 2019. Vì vậy, Vụ Thị trường trong nước cần theo dõi sát nguồn cung - cầu lợn và sản phẩm từ lợn trên thị trường để chủ động có phương án hoặc đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, tránh xảy ra tình trạng bất ổn tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, nghiên cứu tham mưu, đề xuất các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi và thương nhân mua tích trữ, dự trữ thịt lợn không nhiễm bệnh để bình ổn thị trường và giải cứu số lợn đã đến kỳ xuất chuồng, giải toả áp lực tài chính cho người chăn nuôi.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua hoạt động xuất nhập khẩu thịt lợn, ông Trần Hữu Linh cho rằng: Cục Xuất Nhập khẩu cần theo dõi sát diễn biến tình hình nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn, đặc biệt là từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bên cạnh đó, báo cáo cụ thể Lãnh đạo Bộ về tác động ảnh hưởng thị trường, nguy cơ lây lan qua biên giới, qua các hoạt động xuất nhập khẩu; đồng thời có phương án hỗ trợ hoạt động xuất khẩu thịt lợn.

Uyên Hương (TTXVN)
Quảng Trị khống chế dịch tả lợn châu Phi
Quảng Trị khống chế dịch tả lợn châu Phi

Trước nguy cơ lây lan ra diện rộng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã tiến hành kiểm tra công tác khống chế, xử lý ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, nơi xuất hiện ổ dịch đầu tiên của tỉnh Quảng Trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN