Các đoàn khách quốc tế có Đại sứ các nước Mông Cổ, Maroc, Saudi Arabia, Cộng hòa Armenia, Angola, Campuchia tại Việt Nam; Tổng Lãnh sự Cộng hòa Cuba tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Đà Nẵng, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn chính quyền các tỉnh Nam Lào gồm Sekong, Champasak, Salavan, Attapeu và đoàn chính quyền tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) tham dự chương trình chào mừng.
Tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 Nguyễn Tuấn Hà bày tỏ niềm vinh dự và chào mừng các Đại sứ, Tổng Lãnh sự, lãnh đạo chính quyền nước ngoài có quan hệ hợp tác với tỉnh Đắk Lắk cùng các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã tham dự Lễ hội.
Ông Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, Đắk Lắk được biết đến với Không gian văn hóa cồng chiêng, có trường ca sử thi Dam Săn và cũng là nơi được mệnh danh là Thủ phủ cà phê của Việt Nam, nơi có thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột là ngày hội vinh danh ngành cà phê Việt Nam, đã trở thành lễ hội cấp quốc gia, được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, là nơi để hội tụ và tôn vinh người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 có nhiều hoạt động quảng bá thương hiệu cà phê, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm cà phê. Trong chương trình Lễ hội, nhiều hoạt động sẽ diễn ra: Hội nghị kết nối giao thương quốc tế và nhiều hoạt động văn hóa, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, Lễ hội tổ chức nhiều hoạt động chú trọng phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản với quyết tâm đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk bày tỏ mong muốn, các đoàn ngoại giao và đoàn khách quốc tế sẽ có những kỷ niệm, trải nghiệm tốt đẹp về mảnh đất và con người Đắk Lắk; hòa mình với hương vị đậm đà của cà phê, thưởng thức những màn biểu diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc và hiểu thêm về các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Ông Nguyễn Tuấn Hà kỳ vọng, các đoàn ngoại giao, chính quyền, nhà đầu tư quốc tế tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác với tỉnh, hỗ trợ giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng, đặc biệt là hỗ trợ quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng, cà phê đặc sản của Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế. Tỉnh Đắk Lắk luôn đón chào các đoàn ngoại giao, du khách gần xa và những người đam mê cà phê trong và ngoài nước đến vùng đất “tinh hoa đại ngàn” - vùng đất thủ phủ cà phê.
Tại chương trình chào mừng, đại diện các đoàn ngoại đã gửi lời cảm ơn đến Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk khi đã có sự chào đón nồng nhiệt. Ngài Vahram Kazhoyan, Đại sứ Cộng hòa Armenia tại Việt Nam chia sẻ, đây là lần đầu tiên ông đến tỉnh Đắk Lắk và rất vui mừng khi được chứng kiến, lắng nghe những câu chuyện từ những nhà sản xuất, người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê.
Đại sứ Vahram Kazhoyan nhận thấy, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực. Đại sứ quán Cộng hòa Armenia tại Việt Nam sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai đất nước nói chung và với tỉnh Đắk Lắk nói riêng trong thời gian tới.