Hội thảo nhằm tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng và những cống hiến của đồng chí Châu Văn Liêm vì độc lập, tự do của Tổ quốc; đồng thời, tiếp tục sưu tầm tài liệu trình Bộ Chính trị, đề xuất bổ sung đồng chí Châu Văn Liêm vào danh sách “Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam”.
Tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu nhận định, Hội thảo là dịp tri ân công lao của đồng chí Châu Văn Liêm với Cách mạng Việt Nam và quê hương Cần Thơ; đồng thời nghiên cứu để hiểu rõ hơn về thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, phẩm chất cách mạng kiên cường và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực của đồng chí.
Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ luôn tự hào và biết ơn thế hệ cha ông, các tiền bối lão thành cách mạng. Hiện nay, tên của đồng chí Châu Văn Liêm đã gắn liền với tên các ngôi trường, con đường lớn tại một số tỉnh, thành trong cả nước. Tại huyện Thới Lai, Cần Thơ, đền thờ Liệt sỹ Châu Văn Liêm đã được xây dựng để tưởng nhớ về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ đến viếng, nghiên cứu, tham quan.
Theo Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi, sự cống hiến của đồng chí Châu Văn Liêm cho Đảng và cách mạng Việt Nam là vô cùng to lớn, đặc biệt là những hoạt động của đồng chí trong việc thành lập, chỉ đạo hoạt động của tổ chức An Nam Cộng sản Đảng và những đóng góp trong thời kỳ vận động cách mạng tiến tới Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc nghiên cứu, làm rõ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và khẳng định những đóng góp to lớn của đồng chí Châu Văn Liêm cho Đảng và cách mạng Việt Nam là việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm bồi dưỡng truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, đạo đức và lối sống trong sáng, giản dị cho cán bộ, đảng viên, nhấn là thế hệ trẻ Việt Nam học tập, noi theo.
Đồng chí Châu Văn Liêm sinh ngày 29/6/1902 tại ấp Rạch Tra, xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ). Đồng chí được biết đến nhiều nhất với vai trò là một trong các đại biểu tham dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 4/6/1930, đồng chí dẫn đầu một cuộc biểu tình có hàng nghìn người tham gia. Chính quyền thực dân đã thẳng tay đàn áp, cho quân bắn vào đoàn biểu tình khiến đồng chí trúng đạn và hy sinh.
Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Châu Văn Liêm tuy ngắn ngủi nhưng những đóng góp của đồng chí cho quê hương, đất nước là rất lớn, in đậm trong lòng mỗi người dân Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 4 chủ đề lớn, gồm: Ảnh hưởng của quê hương, gia đình với việc hình thành tư tưởng yêu nước, cách mạng của đồng chí Châu Văn Liêm; Hoạt động, cống hiến của đồng chí Châu Văn Liêm trong việc thành lập tổ chức An Nam Cộng sản Đảng và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Đồng chí Châu Văn Liêm - người cộng sản kiên trung, tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; Đồng chí Châu Văn Liêm với quê hương Cần Thơ.