Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Nhà cách mạng Châu Văn Liêm

Ngày 29/6, tại huyện Thới Lai, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ tổ chức họp mặt kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm (29/6/1902 - 29/6/2022), nhà cách mạng tiền bối.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu ôn lại sự nghiệp cách mạng của đồng chí Châu Văn Liêm. 

Tại buổi họp mặt, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu ôn lại sự nghiệp cách mạng của đồng chí Châu Văn Liêm.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường khẳng định, học tập, noi gương đồng chí Châu Văn Liêm và các thế hệ cách mạng tiền bối, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố quyết tâm, nỗ lực lập nhiều thành tích xuất sắc, tích cực phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Những thành tựu đạt được là tiền đề, nền tảng quan trọng, tạo đà cho thành phố Cần Thơ bứt phá phát triển nhanh và bền vững, trở thành “Đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long” như mục tiêu Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra, góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Chú thích ảnh
Đền thờ Châu Văn Liêm ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ. 

Người đứng đầu chính quyền thành phố Cần Thơ đề nghị các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân thành phố phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần cùng cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thới Lai Nguyễn Thành Út, huyện đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao như: mô hình cánh đồng lớn hơn 20.000 ha/năm, mô hình rau màu hơn 2.800 ha/năm, mô hình kinh tế vườn hơn 2.400 ha/năm, mô hình thủy sản hơn 2.170 ha/năm và mô hình chăn nuôi bò, dê, ếch, cá lóc…

Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 58,2 triệu đồng, chỉ còn 0,49% hộ nghèo. Hạ tầng điện, đường, trường, trạm... được xây dựng khang trang, trong đó 80% trường học, 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, trên 99% hộ sử dụng điện an toàn và hơn 95% hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Đặc biệt, 12/12 xã trên địa bàn đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới, 1 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 4/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (các xã Định Môn, Trường Thành, Đông Thuận, Trường Thắng). Huyện Thới Lai được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Ở xã Thới Thạnh, quê hương của nhà cách mạng Châu Văn Liêm, hiện nay, những con đường liên xã, liên ấp được trải nhựa, tráng bê tông rộng rãi, sạch đẹp. Nhà văn hóa, trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động nhộn nhịp... thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 62 triệu đồng/năm.

Chú thích ảnh
Bí thư Huyện ủy Thới Lai Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi họp mặt. 

Bí thư Huyện ủy Thới Lai Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, tự hào là quê hương của đồng chí Châu Văn Liêm, thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng mô hình kinh tế tập thể, nhất là nâng chất các hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Địa phương tích cực mời gọi đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ; tập trung nguồn lực nâng chất các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó, huyện thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...Phấn đấu xây dựng huyện ngày càng phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân.

Đồng chí Châu Văn Liêm sinh ngày 29/6/1902, tại ấp Rạch Tra, xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn (nay là xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai). Năm 1922, ông đậu bằng Thành chung tại Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), sau đó học ngành Sư phạm (năm 1924). Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, ông về dạy học ở tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Cuối năm 1927, Châu Văn Liêm được kết nạp vào tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí hội”, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam...

Tại Đại hội Tổng bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên diễn ra từ ngày 1-9/5/1929 ở Hương Cảng (Trung Quốc), ông Châu Văn Liêm được cử làm thành viên "Ban trù bị thành lập Đảng". Sau khi về nước, ông triệu tập hội nghị đề xuất thành lập An Nam Cộng sản Đảng và được cử làm Bí thư Ban lâm thời chỉ đạo An Nam Cộng sản Đảng.

Ngày 24/2/1930 cùng với Xử ủy Nam Kỳ, ông họp Hội nghị hợp nhất bộ phận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, ông nhận nhiệm vụ Bí thư Liên Tỉnh ủy Gia Định - Chợ Lớn. Ngày 4/6/1930, gần 1.000 nông dân quận Đức Hòa (Long An) kéo đến Dinh quận trưởng đưa yêu sách, đòi giảm sưu, thuế, không được khủng bố nông dân, bắt bớ, đánh đập người vô cớ. Châu Văn Liêm vừa đưa yêu sách vừa cổ vũ đoàn biểu tình đồng thanh hô vang các khẩu hiệu và buộc tên quận trưởng chấp nhận các yêu sách. Trong lúc đối mặt với quân thù, ông đã anh dũng hy sinh ở tuổi 28.

Tin, ảnh: Thanh Liêm (TTXVN)
Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng
Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng

Tối 10/6, tại Quảng trường thành phố Vĩnh Long, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh Vĩnh Long tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng với chủ đề “Khúc ca tự hào”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN