Kỳ vọng vai trò dẫn dắt của Tập đoàn Viettel trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Chiều 3/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel.

Chú thích ảnh
Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel. Ảnh: CTV

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Đoàn công tác chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập; lãnh đạo, các bộ phận chức năng của Tập đoàn Viettel...

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, đây là cơ hội để Tập đoàn báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những khó khăn, tồn tại hiện nay, đồng thời đề xuất một số cơ chế, chính sách mới cho phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số, đầu tư ra nước ngoài để Thường trực Ban Chỉ đạo có thêm những thông tin trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề án, tham mưu những chủ trương, chính sách về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Đây là đề án quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn và quyết định đến tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp nói riêng.

Do đó, đóng góp và những đề xuất của các doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho giai đoạn tới.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương mong muốn được lắng nghe báo cáo trực tiếp của các thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là của Tập đoàn Viettel về những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kiến nghị, đề xuất chủ trương, chính sách phù hợp trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó là quan điểm của Tập đoàn về xác định các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn trong thời gian tới; đề xuất các cơ chế, chính sách xác định các doanh nghiệp dẫn dắt nhất là đối với doanh nghiệp nhà nước để thực hiện vai trò dẫn dắt công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong các lĩnh vực; các đề xuất để cụ thể hóa chủ trương về tăng cường liên kết giữa công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng...

Trưởng ban Kinh tế Trung ương lưu ý, cần làm rõ vai trò dẫn dắt của Tập đoàn Viettel đối với nhiệm vụ “Phát triển Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. "Nếu mô hình trong thời gian tới của nước ta là “Mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi với sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bao trùm” thì cần thêm, bớt thành tố gì hoặc cần thay đổi thế nào? Luận cứ cho những đề xuất là gì? Nội dung cốt lõi của mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới như thế nào? Các thành tố chính trong mục tiêu tổng quát của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ra sao?...", đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, góp ý vào nội dung Đề án và những điểm cần làm rõ; nghiên cứu, xem xét về khái niệm, nội hàm của khái niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xác định các lĩnh vực chú trọng như công nghiệp nền tảng, công nghệ lõi để đề xuất nhiệm vụ và giải pháp phù hợp...

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, vướng mắc làm cản trở quá trình phát triển công nghiệp công nghệ cao như: chưa có cơ chế giao cho các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện một số dự án/nhiệm vụ quan trọng, thuộc các lĩnh vực mới, lĩnh vực khó, mang tính chất mở đường, dẫn dắt; cơ chế, hỗ trợ điều phối để tạo ra sự hợp lực giữa các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế trong nước nhằm phát triển một số công nghệ/sản phẩm nền tảng, tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá cho các ngành công nghiệp… Đây chính là những tồn tại, vướng mắc đã được nhận diện trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung.

Chú thích ảnh
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: CTV

Phát biểu kết luận, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả, thành tựu mà Tập đoàn Viettel đã đạt được. Tập đoàn là doanh nghiệp đầu tiên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tới làm việc trực tiếp, cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của Tập đoàn trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; xây dựng hạ tầng số; phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, liên kết chặt chẽ, hiệu quả với công nghiệp dân sinh; phát triển các ngành nghề mới như ngành công nghiệp vũ khí công nghệ cao, ngành công nghiệp an ninh mạng…

Trưởng ban Kinh tế Trung ương bày tỏ tin tưởng, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Viettel sẽ là đơn vị tiên phong đi đầu trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ đó, lan tỏa ra các lĩnh vực; đóng vai trò là doanh nghiệp dẫn dắt trong ngành viễn thông - công nghệ thông tin ở Việt Nam, đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khái quát lại ý kiến của các đại biểu, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ, cùng với việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do, nhất là những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sự tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới; xác định nội dung cốt lõi của mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới, đặc biệt là giải quyết được vấn đề thể chế để thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045...

Trưởng ban Kinh tế Trung ương yêu cầu Tổ biên tập làm rõ những nội dung mà các đại biểu đề cập; nghiên cứu, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn Viettel trong quá trình xây dựng dự thảo Đề án.

Trong Chương trình làm việc với Tập đoàn Viettel, Đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Phan Phương (TTXVN)
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Quảng Nam cần phát huy hơn nữa tiềm năng về kinh tế biển
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Quảng Nam cần phát huy hơn nữa tiềm năng về kinh tế biển

Ngày 1/7, Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39 và Kết luận số 25 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN