Cách đây 92 năm, đêm 28 rạng sáng 29/10/1929, tại khu rừng Làng 3 thuộc đồn điền Thuận Lợi (nay thuộc xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập. Đây là chi bộ Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, vào ngày 3/2/1930, hơn 5.000 phu cao su đã nổi dậy làm chủ đồn điền cao su Phú Riềng trong hơn một tuần lễ. Sự kiện này không chỉ gây rúng động Nam Kỳ, vang tới tận Paris (Pháp) mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với đội ngũ công nhân, trong đó có công nhân cao su Phú Riềng.
Từ đó, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát triển mạnh hơn, nhất là phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền cao su. Năm 1930 và 1938, công nhân cao su các đồn điền: Quản Lợi, Xa Trạch, Xa Cát, Lộc Ninh, Đa Kia lần lượt nổi dậy đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, buộc các chủ đồn điền phải giải quyết những yêu sách chính đáng của công nhân.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Phát huy truyền thống Phú Riềng Đỏ, 92 năm qua, ngành Cao su Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của tỉnh Bình Phước. Cao su trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh với diện tích hơn 240.000 ha. Trong đó, hơn 72.000 ha cao su thuộc 4 công ty của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Qua đó góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương”.
Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua của các bộ, ngành. Ngành cao su cũng đã ra mắt cuốn sách “Lịch sử cao su Việt Nam” và “Kỷ yếu bàn tay vàng khai thác mủ cao su”.