Trong tuần làm việc thứ 4, Quốc hội đã tập trung thảo luận nhiều dự án luật quan trọng và thông qua nhiều nghị quyết liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đặc biệt, dự án Luật Giáo dục đại học, các đại biểu thể hiện nhiều băn khoăn về chất lượng giáo dục hiện nay, cũng như đề nghị cần sớm ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền để kiểm soát tốt hệ thống tài chính, tiền tệ.
Chất lượng giáo dục đại học chưa cao
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục đại học, nhiều đại biểu đã tập trung vào vấn đề làm sao nâng cao được chất lượng giáo dục đại học khi ban hành luật, quyền tự chủ cho các trường đại học và kiểm định thật tốt chất lượng này.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2012. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2012. Cụ thể:
Tổng số thu cân đối ngân sách trung ương năm 2012 là 493.675 tỷ đồng (bốn trăm chín mươi ba nghìn sáu trăm bảy mươi lăm tỷ đồng). Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 269.225 tỷ đồng (hai trăm sáu mươi chín nghìn hai trăm hai mươi lăm tỷ đồng).
Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương năm 2012 là 633.875 tỷ đồng (sáu trăm ba mươi ba nghìn tám trăm bảy mươi lăm tỷ đồng), trong đó có 151.633 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương (chưa bao gồm khoản 820 tỷ đồng hỗ trợ vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch và 2.097 tỷ đồng hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án, công trình cấp bách cho từng địa phương quy định tại khoản 4 Điều 3 của Nghị quyết này).
Quốc hội giao Chính phủ:
Chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương và địa phương rà soát, sắp xếp các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên; huy động, bố trí nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ bản; ưu tiên thu hồi vốn đầu tư ứng trước, bố trí trả nợ vốn vay đầu tư xây dựng cơ bản, vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2012 và 2013.
Về hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án, công trình cấp bách của địa phương: Ngân sách trung ương tập trung hỗ trợ một phần vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, chỉ cân đối được ngân sách địa phương từ 50% trở xuống, ưu tiên các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; hỗ trợ đầu tư các dự án, công trình theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; trên cơ sở các tiêu chí này, Chính phủ rà soát, xây dựng phương án phân bổ 2.097 tỷ đồng vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản cho từng địa phương, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 31/12/2011.
Về hỗ trợ vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch của địa phương: Trên cơ sở đánh giá tính cấp bách, mức độ cần thiết hỗ trợ, Chính phủ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, phương án phân bổ 820 tỷ đồng vốn hỗ trợ đầu tư cho từng địa phương, bảo đảm việc phân bổ vốn tập trung, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 31/12/2011.v.v.. |
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc kiểm định chất lượng giáo dục phải thực hiện theo hướng bắt buộc và thực hiện quyền tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học có lộ trình. Ngoài ra theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hiện nay bộ này chỉ quản lý khoảng 14% trong tổng số 369 trường đại học, với điều kiện như vậy thì chất lượng giáo dục, điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực tạo ra có phù hợp với nhu cầu xã hội hay không thì khó kiểm soát, khó xây dựng chiến lược, quy hoạch hoàn thiện. Hậu quả là một bộ phận các cơ sở giáo dục đào tạo, trong đó có giáo dục đại học phát triển thiếu định hướng, khó hội nhập trong điều kiện tính chuyên môn hóa trong quản lý nguồn lực chưa cao, hệ lụy là lãng phí xã hội rất lớn. Đại biểu Lan cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm cuối cùng trước xã hội trong việc quản lý chất lượng giáo dục.
Đồng tình với đại biểu Đinh Thị Phương Lan về quản lý chặt chẽ chất lượng giáo dục đại học, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, cần quy định việc tham gia kiểm định chất lượng đào tạo là bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học và áp dụng các hình thức kiểm định bắt buộc. Về giao quyền tự chủ, đại biểu Tuyết cho rằng, sau khi giao quyền này cho Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đạo tạo thì cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về đối tượng và lộ trình thực hiện, các hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học và kiểm tra, giám sát chế tài xử lý vi phạm và các điều kiện bảo đảm để thực hiện quyền tự chủ này.
Thống nhất quan điểm với đại biểu Đinh Thị Phương Lan, đại biểu Nguyễn Trung Thu, tỉnh Long An cho rằng, kiểm định chất lượng đào tạo, chất lượng giáo dục đại học phải trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Cần quy định rõ trong luật về quy trình, chu kỳ kiểm định, công khai hóa kết quả kiểm định chất lượng đào tạo. Quy định việc sử dụng kết quả kiểm định làm căn cứ để phân loại chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học.
Góp ý vào vấn đề giao quyền tự chủ cho trường đại học, đại biểu Phạm Khánh Lan, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng ta phải thống nhất về quan điểm, thực sự chúng ta có muốn đại học tự chủ hay không? Rõ ràng vấn đề tự chủ của đại học rất quan trọng, vì giáo dục là một đặc thù, đặc biệt là người trí thức, kinh tế tri thức cũng như người làm việc giảng dạy. Tôi nghĩ phải có điều kiện để phát huy tính chủ động, sáng tạo và khả năng tư duy của mình, khi thầy không được tự chủ thì rất khó có được trò chất lượng, có khả năng tư duy cũng như tự chủ sau này để xây dựng đất nước”. Đại biểu Lan cũng lấy ví dụ: “ Bây giờ bộ vẫn tiếp tục tham gia quá sâu vào những chuyện như biên soạn, xuất bản, in phát hành tài liệu giảng dạy học tập, quy chế thi và cấp văn bằng chứng chỉ... ở Điều 62 là điều không cần thiết”.
Cần sớm ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền
Thảo luận tại hội trường về Luật Phòng, chống rửa tiền, nhiều đại biểu thống nhất ý kiến việc ban hành luật này là hết sức cần thiết và cần ban hành sớm để giúp cho hệ thống tài chính, tiền tệ của chúng ta phát triển lành mạnh, minh bạch.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm, tỉnh Thái Bình cho biết, chúng ta đã hội nhập rất sâu vào tất cả những hoạt động mặt trái, mặt phải của kinh tế thị trường. Nếu chúng ta không có Luật Phòng, chống rửa tiền thì chúng ta sẽ là nơi tập trung của tất cả những hoạt động tội phạm rửa tiền vì chúng ta chưa có luật lệ. Việc biến tiền không hợp pháp thành hợp pháp thông qua hoạt động rửa tiền dứt khoát chúng ta phải có biện pháp ngăn chặn và biện pháp ngăn chặn hiệu lực nhất là luật.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Cùng ý tưởng trên đại biểu Lương Văn Thanh, thành phố Hải Phòng cho biết, Ngân hàng Thế giới đã nhận định Việt Nam đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền. Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc cũng cho rằng Việt Nam dễ bị tội phạm rửa tiền tìm đến do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt. Nếu không có biện pháp nhanh và hiệu quả để đối phó với rửa tiền thì tội phạm và tham nhũng sẽ gia tăng. Từ những yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn đó, việc ban hành Luật Phòng chống rửa tiền là hết sức cần thiết.
Đồng tình với tính cần thiết của việc có Luật Phòng, chống rửa tiền, đại biểu Phạm Đức Châu, tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh phải quy định cụ thể hơn, đặc biệt phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Trong thời gian vừa qua Việt Nam ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng, theo quy định của luật này, một số đối tượng cán bộ, công chức v.v... phải kê khai tài sản thu nhập do yêu cầu phải minh bạch hóa thu nhập, tài sản cá nhân. Thực tiễn Việt Nam chúng ta việc hợp pháp hóa tiền và tài sản thu nhập này hiện nay không thông qua hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính.
Tham gia ý kiến về cơ quan phòng chống rửa tiền, đại biểu Bùi Văn Phương (Bùi Việt Phương), tỉnh Ninh Bình cho rằng nên giao cho Bộ Công an vì khi phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ nghi là rửa tiền thì Bộ Công an và cơ quan phòng, chống rửa tiền sẽ tiến hành các nội dung điều tra, xác minh, xem xét nguồn gốc tài sản đó có phải phạm tội không, nếu là phạm tội thì xử lý theo pháp luật là trách nhiệm của cơ quan tố tụng.
Thành Hiển