Sáng 15/11, thực hiện Chương trình công tác năm 2021 của lãnh đạo Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội có chương trình làm việc với Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng và khảo sát thực tế tại dự án Làng Đại học Đà Nẵng.
Nêu ra những khó khăn trong việc xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng, Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ cho hay, trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020, mặc dù được Chính phủ quan tâm ưu tiên bố trí 1.000 tỷ đồng và Đại học Đà Nẵng đã rất nỗ lực xây dựng dự án. Tuy nhiên, do thay đổi quy định của pháp luật về đầu tư nên dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam không thể triển khai mặc dù đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, Đại học Đà Nẵng đã đề xuất tập trung ưu tiên vốn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là ở Quảng Nam. Nhưng, do nhu cầu vốn rất lớn trong khi ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn nên Chính phủ không thể bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho Đại học Đà Nẵng, để tiếp tục triển khai dự án trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật về đầu tư công, dự án giải phóng mặt bằng phải có cấu phần xây dựng nên cần vốn đầu tư lớn, kế hoạch đầu tư và sử dụng rõ ràng, vì vậy thủ tục chuẩn bị đầu tư phức tạp, khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn. Hơn nữa, việc hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ phạm vi quy hoạch Đại học Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong một giai đoạn trung hạn là khó khả thi, cần phân kỳ cho nhiều giai đoạn. Bên cạnh đó, việc huy động vốn từ nguồn xã hội hóa và các dự án PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) cho giải phóng mặt bằng và tái định cư là khó khăn hơn các dự án đầu tư xây dựng.
Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thuộc dự án Làng Đại học Đà Nẵng từ nguồn ngân sách Trung ương trong kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 để tập trung thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm sớm chấm dứt tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài.
Trước mắt, ưu tiên bố trí vốn cho dự án bồi thường, giải phòng mặt bằng tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với tổng mức đầu tư 181 tỷ đồng từ nguồn dự phòng 1.000 tỷ đồng trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, Đại học Đà Nẵng mong muốn Quốc hội và Chính phủ ủng hộ chủ trương phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng; kiến nghị thành phố Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn quan tâm chỉ đạo hoàn thành việc giải phóng mặt bằng 40 ha và giao đất cho Đại học Đà Nẵng để chuẩn bị triển khai dự án vay ODA 100 triệu USD của Ngân hàng Thế giới vào đầu năm 2022.
Đại học Đà Nẵng đề nghị tỉnh Quảng Nam quan tâm công tác giải phóng mặt bằng bố trí tái định cư cho dự án Làng Đại học Đà Nẵng khi được Trung ương bố trí vốn như cách làm của thành phố Đà Nẵng. Đó là địa phương sử dụng ngân sách của địa phương đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng, sau đó thu hồi tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư.
Tại buổi khảo sát thực tế dự án Làng Đại học Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã chia sẻ những khó khăn của Đại học Đà Nẵng trong quá trình thực hiện dự án Làng Đại học Đà Nẵng. Mặc dù, dự án đã được quy hoạch nhưng không có tiền để làm, gặp vướng mắc trong khả năng huy động vốn. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội biểu dương Đà Nẵng đã mạnh dạn đi trước trong việc ứng tiền để tổ chức tái định cư. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội đây là cách làm sáng tạo, theo đúng xu hướng.
Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được phê duyệt từ năm 1997, với quy mô gần 300 ha, trong đó 110 ha thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng và 190 ha thuộc tỉnh Quảng Nam. Dự án này được Trung ương phân bổ 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 để triển khai 3 dự án.
Cùng ngày, tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương với Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, báo cáo về tình hình kinh tế của thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh nêu ra một số khó khăn như: Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đã làm chậm tiến độ của nhiều dự án, công trình động lực, trọng điểm; cơ cấu nội bộ các khu vực kinh tế còn tồn tại nhiều bất cập, tăng trưởng ở một số ngành chưa đạt so với tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu lao động không theo kịp tốc độ chuyển dịch của cơ cấu ngành làm kéo giảm năng suất lao động. Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố vẫn còn vướng mắc, bất cập; trong cùng một lúc thành phố phải giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị thành phố Đà Nẵng có những biện pháp khắc phục những bất cập, quan tâm lắng nghe ý kiến của người dân, cán bộ các cấp; tăng cường công tác phòng, chống dịch, tập trung phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất; xây dựng phát triển mạnh nền kinh tế số…