Theo báo cáo của Đại học Đà Nẵng, Dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung vào ngày 9/12/1997 với quy mô đào tạo đến năm 2010 là 30.000 sinh viên hệ chính quy và diện tích sử dụng đất là 300 ha.
Từ năm 1997 đến 2017, tổng vốn đầu tư của Bộ cho Dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng khoảng 300 tỷ đồng, trong tổng mức đầu tư dự kiến 7.000 tỷ đồng và được triển khai trong 3 giai đoạn. Với khoản vốn đầu tư trên, Đại học Đà Nẵng đã giải phóng mặt bằng được 25,4 ha, nếu tính cả 13,55 ha đất của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt – Hàn được sáp nhập về Đại học Đà Nẵng, tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án cho đến nay là 38,95 ha. Trên phần đất đã được giải phóng mặt bằng này, Đại học Đà Nẵng đã xây dựng cơ sở học tập và hạ tầng nội khu.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, do đây là dự án lớn đã kéo dài hơn 20 năm và được triển khai trên 2 địa bàn là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam với nhiều nguồn vốn khác nhau nên gặp không ít vướng mắc, khó khăn như: việc chuẩn bị và triển khai dự án gồm nhiều thủ tục phức tạp, được điều chỉnh bởi nhiều luật, quy định khác nhau của Nhà nước và phải làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Trong khi đó, Đại học Đà Nẵng chưa có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện các dự án lớn và còn thiếu nhân lực có chuyên môn nên việc triển khai dự án gặp phải một số khó khăn. Hiện nay, công tác tái định cư phục vụ cho giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có ý nghĩa quyết định. Nếu khó khăn này được tháo gỡ sẽ là tiền đề hết sức quan trọng quyết định đến sự thành công của dự án.
Theo đó, việc chưa thống nhất phương án triển khai bố trí tái định cư sẽ dẫn đến các hệ lụy, cụ thể: Nếu chưa phân khai được nguồn vốn của Dự án, nguồn vốn này sẽ bị thu hồi, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai Dự án giai đoạn hiện tại cũng như việc bố trí vốn trung hạn cho các giai đoạn tiếp theo. Nếu Dự án giải phóng mặt bằng trên diện tích 40 ha của thành phố Đà Nẵng thực hiện không đúng tiến độ sẽ không đáp ứng được yêu cầu của Ngân hàng Thế giới đối với Dự án vay vốn ODA, vì thế có thể Dự án sẽ không được Ngân hàng Thế giới chấp nhận cho vay. Nếu được chấp nhận cho vay, việc chậm trễ trong việc giải phóng mặt bằng sẽ làm chậm tiến độ giải ngân của Dự án, gây lãng phí trong việc trả nợ và lãi vay của Chính phủ cũng như phần vay lại của Đại học Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ cho hay, Đại học Đà Nẵng đã đề xuất với thành phố Đà Nẵng 2 phương án. Trong đó, phương án 1 là thành phố xây dựng khu tái định cư mới để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án từ nguồn kinh phí của địa phương, thành phố sẽ thu lại kinh phí đã đầu tư khu tái định cư này từ việc bán đất cho các đối tượng tái định cư thuộc khu vực giải phóng mặt bằng của dự án. Phương án 2 là sử dụng các khu tái định cư thành phố đã xây dựng để thực hiện tái định cư chung cho các dự án khác nhau để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng từ nguồn kinh phí của thành phố, đây được xem là đầu tư cho sự phát triển của thành phố.
Trong phần thảo luận, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đã thống nhất phương án xây dựng Khu tái định cư mới để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi giải phóng mặt bằng của Dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng, từ nguồn kinh phí của địa phương. Ông Huỳnh Đức Thơ cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm phê duyệt chủ trương đầu tư và dự án đầu tư để hệ thống tài chính và kho bạc mở mã dự án để giải ngân được. Về phía thành phố Đà Nẵng sẽ có trách nhiệm chung với Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương thông qua quy hoạch khu tái định cư, sớm phê duyệt khu vực này để tiến hành thủ tục đầu tư xây dựng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá tầm quan trọng của Đại học Đà Nẵng, nếu nhìn vào cơ cấu có rất nhiều điểm thuận lợi, trong đó Đại học Đà Nẵng có toàn khối khoa học công nghệ điện tử, viễn thông, kỹ thuật… đây chính là cốt lõi. Thêm nữa, đây là nơi giao lưu văn hóa, giáo dục có tiềm năng phát triển rất mạnh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Đại học Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để bố trí nguồn vốn 400 tỷ đồng thực hiện trong giai đoạn năm 2020. Nếu sau 30/6/2020 vẫn chưa đủ điều kiện để phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2020, Bộ sẽ đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án khác có khối lượng thực hiện, có nhu cầu cấp bách về vốn. Bộ rất mong lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện tối đa cho Đại học Đà Nẵng giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân trong khu vực.