Kiềm chế nhu cầu cá nhân, ngăn dịch bệnh lây lan

Trong hoàn cảnh như hiện nay, mỗi người dân cần phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và đặc biệt kiềm chế tối đa nhu cầu cá nhân, góp phần cùng Chính phủ và lực lượng chức năng chặn đứng nguồn lây của dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường…

Hàng nghìn ca mắc COVID-19 mới được các địa phương công bố mỗi ngày đang là mối lo ngại hàng đầu của chính quyền và nhân dân các cấp. Cùng với các giải pháp quyết liệt được Chính phủ áp dụng trong thời gian gần đây thì ý thức của người dân vẫn được coi là yếu tố tiên quyết trong việc đẩy lùi dịch bệnh. Tạm dừng mọi hoạt động không thiết yếu và kêu gọi người dân kiềm chế nhu cầu cá nhân để ngăn dịch bệnh lây lan là việc cần thiết hơn lúc nào hết…

Đoàn kết dân tộc là sức mạnh tổng hợp

Để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, Chính phủ buộc phải thực hiện các biện pháp mạnh khi liên tục đưa ra các quy định nhằm siết chặt tốc độ lây lan của dịch bệnh. Đến nay, đã có tới gần 1/3 số tỉnh, thành phố trên cả nước đang phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với mục đích nhà cách ly với nhà, người cách ly với người.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh đang xây dựng các "vùng xanh" trong khu dân cư. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Hàng nghìn doanh nghiệp đã phải tạm thời dừng sản xuất; hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân bị đình trệ… Hai trung tâm kinh tế lớn và sầm uất nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã phải tạm thời chuyển sang một trạng thái vận động chưa từng có - trạng thái tĩnh lặng nhưng không ngủ yên!

Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thức, nhưng không phải thức để vui chơi thâu đêm như trước đây. Người Sài Gòn thức để dõi theo những “chiến sỹ áo trắng” đang nỗ lực hết mình cứu chữa các bệnh nhân; ủng hộ, động viên lực lượng trong tuyến đầu chống dịch đang ngày đêm căng mình bảo vệ từng tuyến đường, con phố để đổi lấy sự bình yên cho nhân dân…

Nhiều ngày qua, người dân Thủ đô không còn được chứng kiến cảnh sầm uất, nhộn nhịp trên từng con phố, với ánh đèn lấp lánh hết đêm khuya. Cảnh tượng ùn tắc giao thông bấy lâu vẫn là nỗi ám ảnh hằng ngày giờ đây đã trở thành "hoài niệm" trong ký ức người dân Thăng Long. Lãnh đạo thành phố Hà Nội quyết định kéo dài việc áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thêm 15 ngày để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra tình trạng mất kiểm soát khi số ca nhiễm mới chưa có dấu hiệu giảm sút.

Gần đây nhất, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành công văn khẩn cấp quy định những thủ tục cần thiết khi người dân ra đường và yêu cầu lực lượng chức năng xử lý nghiêm nếu có trường hợp vi phạm… Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Chính phủ và các địa phương cũng thường xuyên kêu gọi người dân hãy "đứng yên khi Tổ quốc cần"; "ai ở đâu ở đó" để cắt đứt nguồn lây của dịch bệnh, đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường…

Chú thích ảnh
Hà Nội vắng lặng trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống dịch. Với tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. 

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy, Đảng ta rất đề cao vai trò, sức mạnh của nhân dân. Nhiều nhà khoa học phân tích, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư trong thời điểm này là vô cùng quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, đồng thời khẳng định, khi nhân dân cùng nhau đoàn kết, chung lưng đấu cật, đồng sức, đồng lòng sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức… 

Khẳng định đó rất đúng đắn và có cơ sở rõ ràng qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Có thể thấy, gần 1.000 năm trước, sau khi nghe xong bài “Hịch tướng sỹ” của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, tinh thần yêu nước, căm thù giặc của nhân dân ta tăng cao ngút trời. Việc nhà Trần 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông - một đế chế hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ đã chứng minh cho sức mạnh đoàn kết của nhân dân là không gì có thể so sánh nổi.

Việt Nam giờ đây đang phải đối mặt với một loại “giặc” vô hình mang tên SARS-CoV-2 đe dọa tính mạng của con nguời. Với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp theo từng giai đoạn, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nhưng vẫn xác định, ý thức của con người vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu… Trong những buổi làm việc trực tuyến với các địa phương và cơ quan chức năng về công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định, các địa phương phải xây dựng phương án chỉ đạo phòng, chống dịch từ sớm, từ xa, từ khi chưa có dịch, trên tinh thần mỗi huyện, xã, thôn, bản, mỗi cơ quan, đơn vị là một pháo đài, từng người dân là một chiến sỹ.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cá nhân

Có thể thấy, hơn một năm qua, đồng hành cùng Chính phủ, người dân cả nước đã thể hiện rõ sự quyết tâm bằng nhiều hành động cụ thể trên tinh thần phát huy sức mạnh đoàn kết “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, nhiều cá nhân đã không quản ngại khó khăn, phát huy tinh thần xung kích, chủ động viết đơn xin được đi vào vùng dịch hỗ trợ lực lượng chức năng; hầu hết các sinh viên học chuyên ngành y, dược tự nguyện tham gia công tác chăm sóc bệnh nhân tại các cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến…

Chú thích ảnh
Bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 3 (Cơ sở 2) của Tiền Giang căn dặn các bệnh nhân được xuất viện trước khi về địa phương. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN

Những ngày gần đây, hình ảnh về lực lượng tuyến đầu chống dịch được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy chính quyền và các cơ quan chuyên môn đang phải vất vả như thế nào. Nhiều bác sỹ, y tá chia sẻ, công việc quá bận đến mức không có thời gian để nghỉ ngơi, thậm chí ăn cũng phải tranh thủ… Câu chuyện về một chiến sỹ công an về nhà chỉ dám đứng từ xa để nhìn con cho thỏa nỗi nhớ, chứ không dám lại gần vì nghĩ, biết đâu mình đang mang mầm bệnh. Hay một quân nhân biết tin mẹ mất vẫn không thể về vì đang làm nhiệm vụ trong vùng dịch… Những câu chuyên cảm động đó diễn ra hằng ngày, hằng giờ.

Vì sự bình an của Tổ quốc, họ sẵn sàng hy sinh, cống hiến sức lực của mình và chỉ mong sao nhân dân hãy hiểu và ủng hộ cho họ. Những khẩu hiệu như “Mong mọi người ở nhà để chúng tôi sớm được về nhà”, hay “Chúng tôi đi làm vì bạn, xin bạn ở nhà vì chúng ta” cho thấy, để có thể tiêu diệt được “giặc dịch”, thì việc hạn chế tiếp xúc chính là yếu tố vô cùng quan trọng, đặc biệt phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân. 

Đa phần người dân đều hiểu điều đó, chỉ có một bộ phận nhỏ vẫn cố tình chống đối, làm ngược lại những quy định trong phòng, chống dịch. Trải qua nhiều ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng hằng ngày, vẫn có những người bị xử phạt vì ra đường không có lý do chính đáng, vì chống đối lại người đang làm nhiệm vụ với thái độ rất tiêu cực…

Không chỉ vậy, một tình trạng đáng lo ngại đang tồn tại ở một bộ phận nhỏ người dân, đó chính là tâm lý chủ quan, lơ là, coi thường sự lây lan của dịch bệnh. Không ít người nghĩ rằng dịch bệnh chưa đến khu nhà mình ở thì đâu cần phải lo và họ sẵn sàng lao ra ngoài đường, tiếp xúc với bạn bè, người thân mà chẳng hề đề phòng. Nhiều người ở nhà lâu ngày thấy gò bó, lén lút ra ngoài, tìm cách trốn các chốt kiểm dịch để tập thể dục, đi chơi, tụ tập bạn bè ăn nhậu; có những gia đình, nhân dịp giãn cách thì gọi con cháu, anh chị em tập trung ăn uống linh đình…

Họ không biết rằng nguồn lây có thể đến từ mọi phía, và ai cũng có nguy cơ lây nhiễm nếu vô tình gặp phải người đang ủ bệnh. Những người kêu ca bị tù túng không hiểu rằng trong thời điểm hiện tại, họ còn khỏe mạnh, được ở nhà cùng với người thân, gia đình đã là niềm hạnh phúc lớn lao mà nhiều người mong ước không có được. Ngoài kia, biết bao người đang từng phút đối diện với hiểm nguy để thực hiện nhiệm vụ cứu người, cả tháng chưa được nhìn thấy mặt con, biết bao người không thể khóc nổi khi người thân ra đi vì dịch bệnh nhưng không thể gặp mặt lần cuối…

Đi lại, giao tiếp, làm việc và vui chơi là những nhu cầu cơ bản, không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, trong điều kiện cả nước đang gồng mình đối phó với dịch bệnh, một trong những giải pháp quan trọng chính là hạn chế đến mức tối đa việc tiếp xúc giữa người với người. Trong hoàn cảnh như hiện nay, mỗi người dân cần phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và đặc biệt kiềm chế tối đa nhu cầu cá nhân, góp phần cùng Chính phủ và lực lượng chức năng chặn đứng nguồn lây của dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường…

Đỗ Bình (TTXVN)
Nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng tại Bình Định
Nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng tại Bình Định

Tình hình dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Định đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng có nguy cơ tăng cao, trong đó đặc biệt là thành phố Quy Nhơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN