Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan:
Cần điều tra xã hội học, khảo sát từng nhà khi thu hồi đất
Phát biểu tại thảo luận ở tổ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ định nghĩa thế nào là cuộc sống “bằng hoặc tốt hơn” khi thu hồi đất tái định cư cho người dân.
“Có lẽ câu này là vấn đề nhức nhối nhất, tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản và nó mở ra cách tiếp cận hoàn toàn mới. Hiện nay, hàng năm Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành một bảng giá đất để đền bù, tái định cư. Bảng giá này dựa trên cơ sở khảo sát biến động đất đai tại địa phương”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ câu chuyện cử tri tìm đến ông, đó là hai vợ chồng người dân đã 80 tuổi tại Đồng Tháp. Hai vợ chồng ông bà ở trong ngôi nhà nhỏ, có hai cây xoài, mỗi mùa bán xoài là đủ chi tiêu cho cả năm. Nhưng nay, nhà nước thu hồi đất, vợ chồng ông không biết chuyển đổi nghề nghiệp sang làm gì để đảm bảo sinh kế.
“Thanh tra Chính phủ cho rằng Đồng Tháp làm như vậy là quá đúng rồi, đơn giá, định mức đúng rồi. Nhưng cái chữ đúng đó, nhiều khi chúng ta cũng phải xem lại. Thế nào là “bằng hoặc tốt hơn”, đó không chỉ là ngôi nhà, nó là không gian sống, không gian sinh hoạt, học hành, chữa bệnh. Vừa rồi tôi đi Bình Phước có ghé một khu tái định cư của người Xtiêng, cỏ mọc xác xơ, nhà nào cũng một ô như nhà lắp ghép, đó không phải là ngôi nhà của người Xtiêng. Ngôi nhà đó tốt hơn nhà ở cũ của họ, nhưng không phải là không gian văn hoá của họ, làng xóm của họ nên họ không ở”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Do đó, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, cần làm rõ định nghĩa “bằng hoặc tốt hơn” này và cần có tập huấn cho đội ngũ thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. Ở nước ngoài, khi thu hồi đất, họ đều có điều tra xã hội học về thu nhập, sức khoẻ, nhu cầu của người bị thu hồi đất để có phương án phù hợp nhất chứ không chỉ là đo đạc, tính đơn giá…
“Chừng nào chúng ta thu hồi đất còn tư duy mua bán, lúc đó chúng ta còn thất bại. Chúng ta phải có sự trao đổi với bà con, khảo sát từng nhà. Một dự án không nhiều đâu, một dự án có vài trăm nhà thôi. Lãnh đạo phải ngồi nghe. Chứ không phải chúng ta xuống căn ke, đo đạc, nhân đơn giá, định mức từng chỗ một ra tổng kinh phí đền bù này. Người dân quan tâm đầu tiên là cuộc sống sau khi thu hồi đất bằng hoặc tốt hơn. Chúng ta cần phải chuẩn bị như một kế hoạch, phải làm cho kỹ, làm kỹ dù mất thời gian, còn hơn sau này phát sinh nhiều vấn đề”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm, đây không phải chỉ là thu hồi đất, mà là vấn đề chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Nếu mà xuôi cái này, tôi đảm bảo với các đồng chí là việc đầu tư công của ta sẽ đẩy nhanh tiến độ. Người dân sẽ thấy rằng không phải mình đi mua đất của họ, vì đất đai còn giá trị vô hình nữa, mồ mả ông cha, phong tục tập quán bao đời ở đó, nếu thực hiện tốt sẽ nhận được sự đồng thuận của nhân dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh:
Phân cấp phân quyền nhiều hơn cho địa phương
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội lần thứ hai đã thu hút sự quan tâm của nhân dân. Vừa qua, Chính phủ đã lấy ý kiến của nhân dân bằng các hình thức tổ chức các hội thảo góp ý, phản biện... Có tới 12 triệu ý kiến của nhân dân đã được cơ quan soạn thảo tổng hợp, tiếp thu và lựa chọn đưa vào dự án Luật. Sau khi lấy ý kiến của nhân dân thì cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc cầu thị, dự thảo mới có 263 điều, trong đó cơ quan soạn thảo đã bỏ 13 điều, bổ sung 40 điều so với dự thảo cũ.
“Về mặt quan điểm chúng ta phải đảm bảo định hướng đất đai là sở hữu toàn dân nhưng nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, được nhân dân giao cho. Trong đó, chúng ta phải thực hiện quyền sở hữu, đó là thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Như vậy, thông qua định hướng thu hồi giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng định giá đất, về các chính sách về đất đai”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sửa luật phải đảm bảo được việc quản lý và sử dụng đất hiệu quả, đảm bảo được lợi ích của nhân dân.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, quan điểm bồi thường, hỗ trợ tái định cư “phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” cần phải được làm rõ. Đây phải là khu tái định cư bằng hoặc hơn nơi ở cũ, mà khẳng định, đây là cuộc sống của nhân dân sau khi tái định cư phải được đảm bảo bằng hoặc hơn trước. Trong đó, cuộc sống của người dân là có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sản xuất, sinh kế mới đảm bảo bằng hoặc hơn.
“Đất đai thường được hiểu là có đất ở, đất sản xuất nhưng phải gắn vào văn hóa, gắn bó cộng đồng. Chúng ta đã thấy rằng nhiều khu tái định cư làm xong mà không gắn vào đất sản xuất của nhân dân, không đúng với bản sắc văn hóa thì nhân dân không ở. Bởi vậy, khi nghiên cứu việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong luật chúng ta sẽ quyết định về nguyên tắc phân cấp cho địa phương. Lãnh đạo địa phương phải nghe trước, phải điều tra xã hội học hoàn chỉnh sau đó phân tích thêm để phù hợp với từng địa phương”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định.
Đồng thời, ngoài vấn đề tái định cư, chuyển đổi, đào tạo nghề, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng nhấn mạnh đến đối tượng như người già, trẻ em, người yếu thế phải sản xuất và sinh kế của họ thế nào.
“Trong luật chúng ta đưa ra khung, đưa ra yêu cầu, đưa ra mục tiêu, mục đích; nhưng chính quyền địa phương phải tham gia. Đặc biệt, phải chú trọng đến phong tục, tập quán, bản sắc văn hoá của từng vùng”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Về phát triển quỹ đất gắn với Luật Ngân sách, người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm, đây phải là đơn vị sự nghiệp. Theo quy định của dự thảo, Quỹ phát triển đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập để ứng vốn cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, thực hiện dự án tạo quỹ đất... đồng thời, quy định rõ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, việc phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất ở địa phương này sẽ khác với địa phương khác. Theo Bộ trưởng, sẽ nghiên cứu theo hướng có mức quy định trần và sau đó do địa phương quyết định. Luật chỉ quy định tiền sử dụng đất đưa vào quỹ này nhưng bao nhiêu thì do tỉnh quyết định.
Về xác định giá đất, theo quy định là xác định giá theo thị trường nhưng thị trường thay đổi liên tục nên, trách nhiệm của địa phương rất lớn, đó là việc xác định giá thị trường nhưng bảng giá đất hằng năm do Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ quyết định việc này.
“Chính quyền địa phương là người hiểu đặc điểm địa phương nhất, có sốt ảo hay không. Từ đó, chúng ta xác định giá đất vào từng vị trí cụ thể, địa phương là đơn vị quyết định về giá, chính là Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh phải trình HĐND tỉnh và nếu có đột biến gì thì phải báo cáo HĐND tỉnh để điều chỉnh”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường rất quan tâm đến vấn đề đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa, phù hợp với điều kiện của địa phương.