Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, về công tác quản lý người Việt Nam sang Trung Quốc sau Tết nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ xâm nhập dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh?
Quảng Ninh với đặc thù là địa bàn duy nhất trong cả nước vừa có đường biên giới trên bộ dài và trên biển với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, có hệ thống cửa khẩu quốc tế, quốc gia, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới, lưu lượng người qua lại hằng ngày, giao thương lớn với Trung Quốc.
Tại Quảng Ninh, trong ngày 29/1, thông qua kiểm dịch y tế tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lực lượng chức năng đã phát hiện hai trường hợp công dân trở về từ Trung Quốc có dấu hiệu sốt, ho, nghi nhiễm nCoV. Các trường hợp trên đã được đưa về cách ly tại Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái, lấy mẫu xét nghiệm và giám sát ca bệnh theo quy định, bước đầu xác định không nhiễm cúm A, B, phổi không có tổn thương, hiện đang chờ các kết quả xét nghiệm khẳng định. Tương tự, trước đó, ngày 24/1 cũng có moitj trường hợp nghi nhiễm nCoV bị cách ly, song kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV.
Quảng Ninh xác định công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân khẩn trương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp do Trung ương, tỉnh đề ra. Tỉnh huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan; tuyệt đối không chủ quan, coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Tỉnh chủ động xây dựng các kịch bản phòng chống dịch, bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng các phương án phòng, chống theo từng cấp độ lây lan dịch, thực hiện triệt để, tuân thủ các biện pháp dự phòng, cách ly theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn nhằm hạn chế thấp nhất tử vong do dịch này gây ra.
Trong trường hợp cần thiết, Quảng Ninh sẽ tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, các hội nghị, hội thảo để tập trung (ưu tiên cao nhất) phòng, chống dịch; kể cả việc xem xét cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch, giảm nguy cơ nhiễm dịch, đặc biệt là tại các địa phương biên giới.
Sau Tết, dòng người Việt Nam sang Trung Quốc lao động và ngược lại sẽ bắt đầu gia tăng, vậy tỉnh Quảng Ninh có biện pháp nào để quản lý số người này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch?
Tại Quảng Ninh, hơn 40 doanh nghiệp có sử dụng lao động, chủ yếu là các chuyên gia người Trung Quốc sang Quảng Ninh làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Từ ngày 30/1, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo thực hiện việc cấm người qua lại và tạm thời đóng cửa tất cả các đường mòn, lối mở biên giới; kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới (kể cả trên bộ và trên biển); tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ người qua lại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Cửa khẩu Hoành Mô.
Đồng thời, quản lý, theo dõi chặt chẽ người Việt Nam nhập cảnh từ Trung Quốc về; việc di biến động của cư dân biên giới; tạm dừng hoạt động qua lại cửa khẩu của cư dân biên giới theo thẩm quyền. Tất cả các cư dân biên giới phải được thực hiện nghiêm ngặt các quy định, quy trình kiểm dịch y tế tại cửa khẩu ở mức cao nhất.
Đối với các chuyên gia và lao động nước ngoài từ Trung Quốc sang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, phải thiết lập quy trình giám sát 2 lớp về tình trạng sức khỏe chặt chẽ, thường xuyên, liên tục cho đến khi có công bố hết dịch.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Y tế, chính quyền các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện giám sát chặt chẽ những người lao động xuất cảnh, nhập cảnh qua biên giới; hướng dẫn các doanh nghiệp dừng làm thủ tục, tổ chức đưa lao động Việt Nam sang các vùng có dịch của Trung Quốc.
Các ngành chức năng phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban quản lý Khu kinh tế, cấp ủy, chính quyền các địa phương có biện pháp cách ly; theo dõi, giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục tình trạng sức khỏe của chuyên gia, lao động nước ngoài (từ Trung Quốc) sau kỳ nghỉ Tết trở lại Quảng Ninh làm việc tại các khu công nghiệp, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái và tại các doanh nghiệp; áp dụng quy trình kiểm dịch y tế nghiêm ngặt tại cửa khẩu và tại nơi làm việc. Khi phát hiện trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh phải tổ chức cách ly ngay và quản lý những người lao động này theo đúng quy định, quy trình.
Quảng Ninh tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc tế, phối hợp chặt chẽ, trao đổi, chia sẻ thông tin thường xuyên giữa các địa phương biên giới trong công tác phòng, chống dịch, nhất là với Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); không để cư dân biên giới, người lao động sang vùng có dịch và người đi ra từ vùng dịch nhập cảnh và đi vào nội địa.
Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là không đưa người sang Trung Quốc; không để người Quảng Ninh, đặc biệt là các địa phương biên giới sang lao động, làm việc tại các vùng có dịch của Trung Quốc.
Tỉnh đang đẩy mạnh công tác truyền thông thường xuyên, liên tục, sâu rộng bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, phát tờ rơi, tuyên truyền miệng đến tận từng hộ gia đình, từng người dân để mọi người dân đều nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch do chủng mới virus Corona gây ra; thông tin kịp thời, chính xác theo phương châm lấy người dân là trung tâm, lấy phòng ngừa là chính, trang bị đủ kiến thức, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, thay đổi thái độ, hành vi của mỗi người dân để họ tự phòng, tự tránh, tự bảo vệ bản thân, gia đình mình và cộng đồng trước tác động của dịch bệnh; vận động người dân khu vực biên giới và cư dân biên giới nếu không có việc cần thiết lúc này không nên ra ngoài và ra ngoài phải đeo khẩu trang.
Trân trọng cám ơn ông!