Khảo sát hệ thống trường, lớp mầm non trong khu công nghiệp ở Thái Nguyên

Ngày 12/1, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa làm trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Thái Nguyên để khảo sát về công tác quản lý Nhà nước về giáo dục mầm non và tình hình trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 6 khu công nghiệp nằm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên, huyện Phú Bình và huyện Đại Từ. Trong đó có 4 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút trên 102 nghìn lao động (trên 75 nghìn người là lao động nữ).

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn công tác tặng quà cho các cháu Trường Mầm non phường Bãi Bông, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên.

Hiện ở các khu công nghiệp đều chưa có trường mầm non dành riêng cho con của cán bộ, công nhân. Việc gửi trẻ ở đội tuổi mầm non của cán bộ, công nhân đang phụ thuộc vào 18 trường mầm non ở gần các khu công nghiệp (trong đó có 16 trường công lập và 2 trường ngoài công lập).

Để từng bước giải quyết tình trạng quá tải, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ngày càng gia tăng của người lao động trên địa bàn, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai một số giải pháp nâng cấp mở rộng quy mô trường mầm non, nhất là các trường mầm non ở quanh các khu công nghiệp, các khu ở tập trung công nhân.

Các địa phương thành lập mới một số trường mầm non công lập và ngoài công lập; đồng thời thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, huy động các doanh nghiệp, nhà đầu tư để phát triển các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập. Tuy nhiên, những giải pháp này chưa thể đáp ứng được ngay nhu cầu và quy mô phát triển nhanh của các khu công nghiệp trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, tỉnh Thái Nguyên đã kiến nghị, đề xuất với đoàn công tác một số vấn đề như: Cơ chế của Nhà nước trong việc hỗ trợ địa phương xây dựng trường, lớp mầm non tại các khu công nghiệp; vấn đề biên chế cho giáo viên tại các trường mầm non khi tăng về số lượng và mở rộng về quy mô…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao nỗ lực của Thái Nguyên trong việc duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh. Trước thực tế thiếu trường mầm non tại các khu công nghiệp, vấn đề quá tải tại các trường công mà ngành Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đang phải đối mặt, các thành viên đoàn công tác đề nghị tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu mô hình đầu tư công-tư cùng hợp tác.

Đặc biệt, cần khuyến khích cơ chế xã hội hóa đầu tư trong giáo dục; trong đó, tạo điều kiện thuận lợp để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục bằng các hình thức công bố quy hoạch, quy mô phát triển các khu công nghiệp; vận động doanh nghiệp tham gia hỗ trợ hoặc đầu tư phát triển hệ thông trường, lớp, nhóm nhà trẻ, mầm non bảo đảm tính bền vững và phát triển.

Trước đó, đoàn công tác của  Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đến khảo sát thực tế tại Trường Mầm non phường Bãi Bông (thị xã Phổ Yên).

Tin, ảnh: Thu Hằng (TTXVN)
Bài cuối: Giải pháp của ngành GD ĐT ngăn ngừa bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non KCN
Bài cuối: Giải pháp của ngành GD ĐT ngăn ngừa bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non KCN

Hàng loạt vụ bạo hành trẻ mầm non xảy ra ở những cơ sở ngoài công lập đã ảnh hưởng đến tiến trình phát triển thể chất và tâm lý của trẻ, gây bức xúc cho toàn xã hội. Sự việc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cần phải quan tâm và đặt ưu tiên hàng đầu cho công tác nuôi dạy trẻ - những người chủ tương lai của đất nước. Các cơ quan chức năng cần đưa ra những biện pháp mạnh nhằm răn đe, ngăn ngừa bạo hành trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN