An toàn thấp nhưng vẫn phải gửi con
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động), hầu hết công nhân nữ làm việc tại các Khu Công nghiệp (KCN) đang trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ nên nhu cầu gửi trẻ rất cao. Việc thiếu trường mầm non trong các KCN - KCX khiến việc tìm nơi gửi con phù hợp, an toàn đối với công nhân hết sức khó khăn. Hiện nay, do đặc điểm phải làm tăng ca, nên công nhân phải chấp nhận gửi con tại cơ sở mầm non tư nhân với độ an toàn thấp.
Cần phải có quy định chặt chẽ hơn trong việc cấp phép mở trường mầm non tư thục. Ảnh minh họa |
Hiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai Đề án Thí điểm xây dựng thiết chế văn hóa thể thao cho công nhân, người lao động tại các KCN, KCX ở 15 địa phương trọng điểm. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì các nội dung liên quan đến chính sách phát triển cơ sở giáo dục mầm non dành cho con em công nhân, người lao động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chưa đến 10%, chủ sử dụng lao động tại KCN- KCX quan tâm tới xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân, trong đó có việc xây dựng các cơ sở mầm non cho con em công nhân.
Còn bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Mới đây, chúng tôi giám sát tại các cơ sở mầm non tại các KCN – KCX, nghe tâm tư của công nhân mà thấy nhói lòng. Nhiều công nhân chia sẻ gửi con ở cơ sở tư nhân không đủ tiền và không biết có an toàn không? Xem clip bạo hành con em công nhân buốt ruột gan. Học trường công thì vướng thời gian, còn học trường tư với chất lượng tố thì học phí quá cao. Hiện nay giải pháp chủ yếu là gửi con tại các nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ cơ sở tư. Nhà nước phải có trách nhiệm quan tâm trong việc đào tạo nghiệp vụ giáo viên, nghề công tác xã hội cho những người trông trẻ tại các cơ sở nhóm trẻ gia đinh và các trường công phải có cơ chế linh động hơn trông con em công nhân
Hội Liên hiệp Phụ nữViệt Nam cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát tại năm tỉnh, thành phố có nhiều KCN gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Hải Dương. Kết quả cho thấy, hầu hết con của nữ công nhân ở các KCN, KCX đều gửi vào nhóm trẻ nhỏ, tư thục chưa được cấp phép. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng tiến hành một cuộc điều tra khảo sát trong 10 tỉnh có KCN, KCX, kết quả là chỉ có 16,9% số KCN, KCX có nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân, trong đó, công lập chiếm 39,9%, tư thục là 60,1% và phần đông đều là tự phát.
Xây dựng mô hình nhóm trẻ tư thục an toàn
Doanh nghiệp không lo được chỗ gửi trẻ cho công nhân, còn ngành Giáo dục cũng khó có thể “chạy” kịp nhu cầu, nên công nhân chỉ còn biết trông chờ vào nhóm trẻ tư thục, bất chấp những rủi ro mô hình này mang lại. Do đó, tại thời điểm này hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX làcần thiết. Để tháo gỡ khó khăn cho tình trạng trên, từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX đến năm 2020” (Đề án 404). Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Mục tiêu đặt ra rất nhân văn, đến năm 2020, 80% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ tư thục thuộc Đề án sẽ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng; 500 nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển…
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đìnhxã hội (Hội LHPN Việt Nam) thừa nhận khi triển khai Đề án 404 gặp nhiều khó khăn. Theo khảo sát của Hội LHPN Việt Nam chỉ có 20% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non được gửi an toàn, còn 80% các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Vì nguồn lực có hạn nên Hội dự kiến mỗi tỉnh sẽ thực hiện triển khai thành công cho 5 nhóm/năm. Tuy nhiên, nhiều địa phương khi triển khai Đề án 404 còn gặp phải khó khăn về quỹ đất do sự thiếu thống nhất trong hệ thống văn bản liên quan đến đất đai trong KCN, KCX.
Do diện tích đất ở các KCN có hạn nên việc xây dựng nhà trẻ là rất khó khăn. “Nếu không xây dựng được thì các KCN nên liên kết với các nhà đầu tư khác, hoặc các trường mầm non lân cận để đáp ứng nhu cầu gửi con của người lao động. Việc ổn định nơi ở (nhà lưu trú, nhà cho công nhân) cùng với nơi gửi con sẽ khiến cho người lao động toàn tâm, toàn ý phục vụ công việc sản xuất hơn là thả nổi, buộc người lao động phải “tự bơi” với nhu cầu của mình” bà Mai kiến nghị.
Còn ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng: Những vụ bạo hành tại các cơ sở mầm non, nhất là tại các cơ sở trông giữ con em công nhân là đáng báo động. Dù sau những vụ việc, mức chế tài xử phạt nặng nhưng vẫn nhiều trường hợp tái diễn.
Trách nhiệm để xảy ra các vụ bạo hành tại cơ sở mầm non thuộc về Bộ Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT) và chính quyền địa phương. Một là liên quan đến việc thành lập, Bộ GD&ĐT cũng đã có những hướng dẫn, qui định, các tiêu chuẩn đến các cơ sở giáo dục mầm non. Tuy nhiên, với các cơ sở giáo dục mầm non, đòi hỏi càng phải phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ vì trẻ em nhỏ, dễ bị tai nạn, không có khả năng tự bảo vệ. Thứ hai, về tiêu chuẩn chọn lựa và sử dụng những giáo viên ở cấp học này phải chăng còn dễ dãi? Vấn đề kiểm tra giám sát của đội ngũ giáo viên, các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non không chỉ liên quan đến năng lực mà còn là đạo đức của những người làm giáo dục mầm non. Bởi vì, ngoài những kiến thức về chuyên môn, sư phạm, các kiến thức về tâm lý, về tự kiềm chế bản thân, các giáo viên mầm non còn phải hiểu về quyền trẻ emnói chung, tôn trọng trẻ em, về pháp luật, bảo vệ trẻ em.
"Chúng tôi cho rằng, trong tiêu chuẩn để thành lập các cơ sở chăm sóc trẻ em nói chung, trong đó có các cơ sở mầm non, sự kiểm soát của tất cả các bên, của cơ quan quản lý, cha mẹ, người quản lý đứng đầu trong các cơ sở này là rất quan trọng.Thực tế, đã có rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non lắp đặt camera để bố mẹ có thể theo dõi mọi hoạt động của con cái. Theo tôi đây cũng là một biện pháp để phòng ngừa hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Về giải pháp phòng ngừa, tôi cho rằng phải tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục đủ tính chất răn đe để những người có ý định xâm hại trẻ em phải run tay", ông Đặng Hoa Nam cho biết.
Bài cuối: Giải pháp của ngành Giáo dục Đào tạo đối với các cơ sở mầm non KCN