Xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm khai thác IUU
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, Việt Nam cơ bản khắc phục các nội dung theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023. Đó là quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; xử lý tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); xử lý hình sự đối với hành vi liên quan đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Các địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu được số hóa để theo dõi, quản lý, cập nhật. Cụ thể, số lượng tàu cá đã đăng ký được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VN-Fishbase) đạt đạt 98,9%. Toàn bộ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn cho đội tàu từ 15m trở lên đã đạt 90,3%, nhưng tính toàn bộ đội tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên thì mới chỉ đạt 76,5%.
Hiện cả nước còn 888 tàu cá "3 không", theo báo cáo của địa phương là tàu đã hư hỏng, không còn khả năng hoạt động, một số chủ tàu không có nhu cầu đăng ký để đi hoạt động và một số tàu không còn tồn tại tại địa phương.
Đối với việc giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước, đã có 86 cảng cá, điểm lên cá tổ chức thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống eCDT để tổ chức triển khai thực hiện hệ thống thống nhất, đồng bộ tại tất cả các cảng cá trong cả nước.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nêu thực tế, nhiều tàu cá có chiều dài 24m trở lên thực hiện khai thác và neo đậu trên biển dài ngày, không xuất, cập cảng cá được chỉ định. Công tác kiểm tra, kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài được thực hiện đầy đủ theo quy định quốc tế và khuyến nghị của EC.
Các địa phương khởi tố 39 vụ hình sự và đưa ra xét xử công khai 10 vụ về các tội "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, hợp thức hóa hồ sơ; liên quan hành vi tháo, gửi thiết bị VMS; chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ"…
Tổng số tiền xử phạt hành vi vi phạm chống IUU trong năm 2024 là gần 100 tỷ đồng đối với 4.31 trường hợp (năm 2023 là trên 89 tỷ đồng và 4.022 trường hợp).
Đối với hoạt động ngăn chặn, xử lý tài các khai thác tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, từ tháng 8/2024 đến nay, các lực lượng chức năng ghi nhận 10 vụ việc ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý đăng ký tại Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang.
Số lượng tàu cá không đủ điều kiện đi khai thác (chưa cấp phép, chưa lắp đặt VMS...), tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU đã được lập danh sách, cập nhật trên hệ thống giám sát tàu cá và giao cho lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở (xã/phường/thị trấn) theo dõi quản lý, cập nhật thường xuyên vị trí neo đậu. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương như Bình Thuận, Kiên Giang... cán bộ cấp xã, phường chưa quản lý cập nhật được tình trạng và vị trí neo đậu tàu cá không đủ điều kiện hoạt động.
Kết quả xác minh, xử lý các hành vi vi phạm ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn rất thấp so với các vụ việc được phát hiện. Cụ thể trong năm 2024 mới xử phạt 2/847 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; 838/32.511 lượt tàu ngắt kết nối VMS (từ 6 giờ đến dưới 10 ngày và từ 10 ngày trở lên).
Báo cáo trực tuyến tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Phú Yên... đã báo cáo về công tác quản lý tàu cá, xử lý tình trạng giấy phép khai thác hết hạn, vi phạm mất kết nối VMS, các tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kiến nghị các địa phương khẩn trương rà soát, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm khai thác IUU, ngắt kết nối VMS, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, vượt ranh giới trên biển; môi giới, móc nối, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài...; xử lý dứt điểm tàu cá "3 không"; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác...
Tăng cường các công cụ quản lý nghề cá
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, thời gian qua, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đạt kết quả tốt trong khắc phục vi phạm IUU. Những địa phương chưa hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu được giao cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm của từng sở ngành, đơn vị, cá nhân liên quan.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong quý I/2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải hoàn thành kết nối đồng bộ, thống nhất, liên thông từ Trung ương đến địa phương cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), hệ thống giám sát tàu cá (VMS), hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT).
Đồng thời, ban hành quy trình, quy chế quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu về quản lý nghề cá và trách nhiệm của các bên như cơ quan quản lý, lực lượng chấp pháp, các cảng cá, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản, ngư dân…
Quá trình xây dựng, cập nhật, kết nối các cơ sở dữ liệu về quản lý nghề cá cần tích hợp định danh tàu cá, thuyền trưởng, công dân tham gia hoạt động khai thác thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gắn với bổ sung nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng công an cơ sở.
Nhấn mạnh các hành vi vi phạm IUU rất phức tạp, tinh vi, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ, ngành khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để nhận diện, thống kê đầy đủ, chính xác, sát thực tế; xử lý nghiêm khắc hành vi liên quan đến an ninh, quốc phòng, xâm phạm lãnh thổ quốc gia, mang tính chất cố ý; đồng thời bổ sung quy định xử lý đối với những người làm công tác quản lý nhà nước. Các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ thực hiện phân định trách nhiệm quản lý theo lãnh thổ, "tàu cá vi phạm ở đâu, xử lý ở đó", "biến từ bị động sang chủ động phòng ngừa".
"Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường các công cụ quản lý nghề cá trên biển bằng quy hoạch, mùa đánh bắt, phương pháp đánh bắt ở từng vùng ngư trường…", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trong quý I/2025 đối với việc thực hiện quản lý, cập nhật dữ liệu về tàu cá tại địa phương; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi không xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm, hoạt động của các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản; rà soát và bổ sung điều kiện để các cảng cá tư nhân có thể thực hiện cung cấp một số dịch vụ hành chính như cập nhật dữ liệu hành trình, xác nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác cho tàu cá xuất, nhập bến…
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các lượng chấp pháp trên biển tích cực hợp tác với các lực lượng, cơ quan quốc tế giải quyết các vụ việc theo đúng pháp luật.