Cụ thể, người chết là ông Lộc Văn Lập (sinh năm 1975 ở xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng), bị sạt lở đất làm sập nhà; một người mất tích do đi vào thăm đàn vật nuôi, bơi qua thung lũng nước sâu, địa hình đi lại khó khăn). Các lực lượng chức năng đang tìm kiếm nạn nhân này. Toàn tỉnh có 9 người bị thương, nguyên nhân do bị tấm lợp Fibro xi măng rơi xuống đầu, bị cây đổ vào người và do sạt lở đất.
Lạng Sơn có 1.256 gia đình bị thiệt hại về nhà ở; trong đó, 950 nhà bị tốc mái; 90 nhà bị cây đổ vào nhà và do sạt lở đất; 223 nhà bị ngập nước; 216 nhà bị hư hỏng công trình phụ (đổ tường, tốc mái, cây đổ…); Ngoài ra, còn có thiệt hại các công trình khác như: Trụ sở Công an xã; nhà văn hóa thôn; trường học và điểm bưu điện xã... Tỉnh đã có trên 2.200 ha cây trồng bị ảnh hưởng; trong đó, hơn 706 ha lúa, trên 674 ha màu; gần 848 ha cây công nghiệp, trên 1.000 cây hồng bị gãy đổ...
Tỉnh ghi nhận hơn 113 điểm bị ngập cục bộ và chia cắt, trên 153 điểm sạt lở taluy âm, dương. Trên Quốc lộ 1B, Quốc lộ 4A, Quốc lộ 279, Quốc lộ 3B có 11 vị trí bị cây đổ xuống đường đã được xử lý thông tuyến. Một số điểm ngập lớn ảnh hưởng đến việc lưu thông là điểm ngập trên Quốc lộ 1B, đoạn qua UBND xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan; một số điểm ngập tại Quốc lộ 31, đoạn đi qua thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập, cầu Na Sầm, huyện Văn Lãng…
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 6/9 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Điển hình như tại các trạm: Thất Khê 85.0mm, Hữu Lũng 81.0mm, Lạng Sơn 216.0mm, Mẫu Sơn 273.0mm, Đình Lập 164.0mm, Bắc Sơn 244.0. Mực nước tại các sông chính lúc 10 giờ ngày 8/9 như sau: Sông Kỳ cùng 254,4mm (trên báo động II 0,4m), cảnh báo nguy cơ lũ quét, ngập úng cao.
Hiện nay, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Lạng Sơn đang khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục hậu quả của bão số 3 để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.
Hưng Yên khắc phục ngay các sự cố do mưa bão
Chiều 8/9, UBND tỉnh Hưng Yên đã có Công điện hỏa tốc gửi các sở, ngành về việc khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3.
Công điện nêu rõ, sáng 8/9, qua kiểm tra tình hình thực tế và báo cáo của các sở, ngành, địa phương sau khi bão số 3 đi qua, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về cơ sở vật chất, nhất là hệ thống điện, hoa màu, lúa bị ngập úng, hệ thống giao thông, thủy lợi, cây xanh, trụ sở đều bị ảnh hưởng, tình hình ngập úng và mất điện diện rộng vẫn còn diễn ra.
Để khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, các cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch UBND tỉnh, tập trung chỉ đạo các lực lượng tham gia khắc phục ngay các sự cố do mưa bão, ưu tiên các tuyến đường giao thông, bệnh viện, trung tâm y tế, các trường học, trụ sở các cơ quan, các nơi tránh trú của nhân dân, các doanh nghiệp cơ bản ổn định như ban đầu; tập trung tiêu nước diện tích lúa, rau màu bị ngập úng, gãy đổ, khẩn trương thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt.
Công ty Điện lực Hưng Yên tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư cần thiết khẩn trương khắc phục ngay các sự cố hệ thống lưới điện, đảm bảo an toàn cấp điện trở lại, đặc biệt nguồn điện cho các trạm bơm tham gia chống úng, cơ bản xong trước 18 giờ ngày 8/9 để phục vụ sản xuất nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể nhân dân, doanh nghiệp tập trung nhân lực cùng với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, nhất là lực lượng Công an, Quân đội khẩn trương giải phóng cây cối bị đổ gãy trên các tuyến đường đảm bảo giao thông, ưu tiên các tuyến đường quốc lộ đường tỉnh, đường huyện, đường xã, dựng hoặc trồng lại cây xanh, kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại, khắc phục sự cố tại các thôn, xóm, khu dân cư, phối hợp với các lực lượng thăm hỏi, có chính sách hỗ trợ ngay các gia đình chính sách, nhất là trẻ em, người già và các đối tượng yếu thế.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn huy động lực lượng khắc phục hậu quả do bão gây ra để sớm ổn định sản xuất, kinh doanh như trạng thái ban đầu.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học tập trung đội ngũ giáo viên, huy động phụ huynh, học sinh khắc phục hậu quả do bão, dọn vệ sinh trường học để kịp thời đón các học sinh vào ngày mai (9/9).
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, hỗ trợ chính quyền khắc phục hậu quả do bão số 3. Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị chức năng hướng dẫn, khắc phục tình trạng ngập, úng trong khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Thông tin từ UBND tỉnh Hưng Yên, do ảnh hưởng trực tiếp của cơ bão số 3 đã gây thiệt hại nhiều diện tích nông nghiệp, nhà cửa và các công trình điện... với ước tính sơ bộ khoảng 150 tỷ đồng.
Cụ thể, bão số 3 đã làm trên 900 ngôi nhà bị tốc mái; sập 1 nhà dân; trên 9.000 cây xanh bị gãy đổ; 92 cột điện bị đổ; hư hỏng 10 chuồng trại và gần 900 biển quảng cáo bị hỏng. Bão số 3 cũng gây thiệt hại trên 14.000 ha hoa màu. Trong đó, diện tích lúa là trên 12.000 ha; cây ăn quả trên 1.800 ha; cây rau màu gần 500 ha, còn lại là các cây trồng khác. Bão số 3 cũng làm 48 lồng cá tại các huyện Kim Động, Khoái Châu bị hư hỏng.
Nghệ An cho phép tàu thuyền ra khơi trở lại sau bão số 3
Ngày 8/9, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn hỏa tốc số 7642/UBND-NN về việc cho phép tàu thuyền ra khơi trở lại sau bão số 3.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An bỏ lệnh cấm tàu thuyền ra khơi trong bão số 3, cho phép ngư dân ra khơi đánh bắt thủy sản và hoạt động trên biển kể từ 14 giờ ngày 8/9/2024; lưu ý chủ tàu, thuyền phải thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để chủ động phòng tránh và xử lý kịp thời các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, duy trì liên lạc với gia đình, Ủy ban nhân dân xã và các đơn vị có liên quan.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; UBND các địa phương ven biển gồm các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và các thị xã: Hoàng Mai, Cửa Lò; Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư và các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện.
Trước đó, ngày 5/9, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện hỏa tốc số 35/CĐ-UBND về việc cấm các loại tàu, thuyền ra khơi trong bão số 3 kể từ 5 giờ ngày 6/9 để đảm bảo an toàn cho ngư dân và các tàu, thuyền; các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 16 giờ ngày 6/9.
Là một trong 28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, Nghệ An có hơn 80 km đường bờ biển thuộc địa bàn 5 huyện, thị xã. Toàn tỉnh hiện có hơn 2.830 phương tiện tàu, thuyền của ngư dân 5 huyện, thị xã chuyên khai thác hải sản.