Nổi bật tuần qua: Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và ứng phó với hoàn lưu bão

Tuần từ ngày 2 - 8/9 đã diễn ra một số sự kiện nổi bật: Bộ Chính trị cho ý kiến dự thảo báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội; Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và ứng phó với hoàn lưu bão, Khai giảng năm học mới 2024-2025; Xử lý vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng; Du lịch phục hồi dịp 2/9.

Bộ Chính trị cho ý kiến về dự thảo báo cáo thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội

Ngày 6/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, việc thực hiện Chiến lược diễn ra trong bối cảnh thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo, nước ta bị tác động sâu sắc bởi những yếu tố bất lợi từ môi trường bên ngoài, nhất là đại dịch COVID-19, xung đột quân sự tại các khu vực...

Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu phát triển, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, Báo cáo cần phát triển làm rõ hơn nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả, thực chất giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; củng cố, tăng cường cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; hội nhập quốc tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bộ Chính trị đề nghị Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV của Đảng khẩn trương hoàn thiện Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2026 - 2030 để trình Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và ứng phó với hoàn lưu bão

Ngày 7/9, bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh - Hải Phòng và ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ với sức gió cấp 12 - 13 gây nhiều thiệt hại. Cập nhật đến sáng 8/9, bão số 3 làm 9 người thiệt mạng, 187 người bị thương; 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu; 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; 5.027 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi…

Chú thích ảnh
Các lực lượng khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả cây đổ trên phố Dương Văn Bé (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Sáng 8/9, chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các ngành, địa phương tập trung rà soát số người thiệt mạng, bị thương, mất tích để cứu giúp, hỗ trợ lo hậu sự; rà soát các gia đình bị thiệt hại về vật chất để hỗ trợ, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa, không để học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh nào thiếu thuốc, thiếu nơi chữa bệnh; tập trung khắc phục sự cố về điện, nước, viễn thông và các dịch vụ thiết yếu phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất, tiêu dùng; tổ chức thống kê thiệt hại khách quan, chính xác để có phương án xử lý kịp thời; tập trung phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở, sụt lún do hoàn lưu bão gây ra.

Thủ tướng kêu gọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương không bị thiệt hại hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi bão số 3, trên tinh thần "lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn".

Tại các thành phố, đô thị như Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội… chính quyền các địa phương và lực lượng vũ trang trên địa bàn đã thành lập các đoàn công tác xuống các địa bàn trọng điểm cùng nhân dân tập trung khắc phục hậu quả sau cơn bão như dọn dẹp cây bị đổ, vệ sinh môi trường để sớm trở lại cuộc sống thường ngày.

Lãnh đạo các tỉnh cũng trực tiếp xuống các địa phương nắm tình hình, chỉ đạo các địa phương có diện tích lúa, rau màu thiệt hại nặng khẩn trương tiêu rút nước đệm trong đồng; đồng thời, chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ dựng lúa gãy đổ, đề phòng mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất.

Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc, tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão số 3, việc xử lý sự cố điện đang được thực hiện rốt ráo, nhiều nơi đã khôi phục toàn bộ các đường dây và sẽ cung cấp điện trong ngày 8/9.

Khai giảng năm học mới 2024 - 2025

Sáng 5/9, hơn 23 triệu học sinh trên cả nước dự lễ khai giảng, bước vào năm học mới 2024 - 2025. Từ hải đảo đến các vùng cao, miền núi đều đồng loạt tổ chức lễ khai giảng trong không khí vui tươi, hứng khởi.

Chú thích ảnh
Học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội khai giảng năm học 2024 - 2025. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trong sáng 5/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025 với thầy và trò Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm học mới 2024 - 2025, phải tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng". Việc gì làm chưa tốt thì phải khẩn trương khắc phục để làm cho tốt; việc gì làm tốt rồi thì phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để làm tốt hơn nữa, đạt kết quả cao hơn nữa - phải để năm học mới đạt kết quả tốt hơn năm học vừa qua.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương phải là nền tảng, góp phần quan trọng tạo môi trường lành mạnh về pháp lý, văn hóa, đạo đức, kiến thức, tạo ra xã hội học tập, nhất là điều kiện thuận lợi đối với các cháu học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng thời chú trọng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông gắn với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính cực, chủ động của học sinh; thường xuyên cập nhật, vận dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, kế thừa được thành tựu của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, phát triển phù hợp với xu hướng giáo dục hiện nay trên thế giới.

Xử lý vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng

Sáng 4/9, báo chí có phản ánh về tình trạng bạo lực trẻ em nghiêm trọng xảy ra tại cơ sở mái ấm Hoa Hồng tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Ngay trong ngày 4/9, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao UBND Quận 12 chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an thành phố và các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe đối với hành vi ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em.

Chú thích ảnh
Vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng. Ảnh: clip báo Thanh niên

Bước đầu xác định, cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Hoa Hồng được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Quận 12 cấp phép hoạt động từ tháng 7/2023 đến nay. Tại thời điểm kiểm tra, có 86 cháu bé thuộc diện trẻ em mồ côi (từ 2 tháng đến 3 tuổi) đang được nuôi dưỡng tại cơ sở; vượt quá số lượng cấp phép là 47 trẻ.

Đến ngày 5/9, UBND Quận 12 đã có quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở này đồng thời phối hợp tổ công tác của Sở LĐTB&XH đưa các trẻ về 3 cơ sở bảo trợ thuộc Sở LĐTBXH để tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định.

Ngày 6/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam hai bảo mẫu về tội “Hành hạ người khác” trong vụ việc nhiều trẻ em bị bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng.

Còn theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, qua vụ việc Mái ấm Hoa Hồng cho thấy ban ngày, khi nhà tài trợ tới, cơ sở chăm sóc trẻ cẩn thận, nhưng ban đêm thì xảy ra tình trạng bạo lực. Do đó cần có quy định lắp hệ thống camera giám sát nội bộ. Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng chỉ được phép nuôi dưỡng 39 trẻ em, nhưng thực tế có thời điểm lên đến 100 trẻ. Như vậy, vượt quá năng lực của cơ sở và tất yếu xảy ra tình trạng trẻ không an toàn. Do đó, chính quyền địa phương phải có cơ chế điều phối, khi cơ sở quá tải thì bắt buộc phải san bớt sang các cơ sở khác.

Du lịch phục hồi dịp 2/9

Trong 4 ngày nghỉ lễ dịp 2/9, ngành Du lịch cả nước đã phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách du lịch (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 56%.

Kỳ nghỉ lễ năm nay, số lượng du khách quốc tế tới các địa phương trọng điểm du lịch của Việt Nam về cơ bản đều tăng. Trong số những tỉnh, thành phố được khách quốc tế yêu thích và lựa chọn, Đà Nẵng đứng đầu với số lượt khách ước đón là 91.000 lượt, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp đến là các địa phương: Hà Nội, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh… Trong số các điểm đến này, lượng khách quốc tế đến Thừa Thiên - Huế và Lào Cai có mức gia tăng đột biến với hơn 45 - 54%.

Kết quả hoạt động du lịch dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 cũng cho thấy du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng cao, du lịch quốc tế đang dần lấy lại đà tăng trưởng. Đây là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch cuối năm và mùa đón khách quốc tế của du lịch Việt Nam.

Để tạo đà cho xúc tiến du lịch, ngày 5/9, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức khai mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2024. Hội chợ thu hút 700 nhà lãnh đạo thuộc các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong ngành du lịch đến từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.

Nhóm phóng viên/Báo Tin tức
Khôi phục thông tin liên lạc, mạng lưới viễn thông trong ngày 8/9
Khôi phục thông tin liên lạc, mạng lưới viễn thông trong ngày 8/9

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chỉ đạo nhanh chóng khôi phục thông tin liên lạc, mạng lưới viễn thông trong ngày 8/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN