Khai trương Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Anh

Lễ khai trương Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Anh đã được tổ chức trọng thể tại thủ đô London ngày 30/9, tiếp nối chuỗi hoạt động đánh dấu 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.


Trung tướng Phạm Quang Vinh phát biểu tại lễ khai trương Phòng Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Anh.

Phát biểu tại buổi lễ được tổ chức tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khẳng định tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác quốc tế, trong đó có Anh, là một trụ cột của tiến trình hội nhập toàn diện của Việt Nam. Sau sự kiện Anh mở Văn phòng Tùy viên Quốc phòng tại Hà Nội năm 2013, việc khai trương Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại London là bước đi tất yếu nhằm hiện thực hóa đầy đủ quan hệ Đối tác chiến lược và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.


Đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trung tướng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh việc thiết lập Cơ quan Tùy viên Quốc phòng của Việt Nam tại Anh vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược thể hiện quyết tâm của Việt Nam thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng, phù hợp với tinh thần của quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Anh. Việt Nam luôn coi trọng vai trò của Anh trên trường quốc tế và tin tưởng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước không chỉ đem lại lợi ích về an ninh cho mỗi nước mà sẽ góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.


Tới dự buổi lễ, Thiếu tướng Không quân Nick Bray, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Chính sách Đối ngoại Bộ Quốc phòng Anh hoan nghênh Việt Nam mở Cơ quan Tùy viên Quốc phòng tại London, nhấn mạnh Anh học hỏi được rất nhiều từ Quân đội Việt Nam và sự hiện diện của văn phòng Tùy viên quốc phòng tại mỗi nước sẽ góp phần đưa quan hệ quốc phòng giữa hai bên phát triển hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực trao đổi đoàn, chia sẻ thông tin, đào tạo.


Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh năm 2010, trong lĩnh vực quốc phòng hai nước đã xây dựng khuôn khổ hợp tác chặt chẽ hơn và khởi động những sáng kiến quan trọng. Năm 2011, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng và đã thực hiện nhiều bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa quan hệ hợp tác... Trong những năm gần đây, hai nước đã mở các khóa học ngắn hạn đào tạo tiếng Anh và tiếng Việt cho sỹ quan của mỗi nước. Nhiều sỹ quan Việt Nam đã và đang được đào tạo tại các học viện quân sự danh tiếng của Anh. Hai bên đã và đang xúc tiến triển khai bước đầu các dự án liên quan tới rà phá bom mìn, hợp tác huấn luyện và chia sẻ kinh nghiệm liên quan tới lực lượng gìn giữ hoà bình, hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng.


* Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Anh có rất nhiều tiềm năng

 

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Anh đã phỏng vấn Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Anh, Đại tá Võ Văn Thành, về triển vọng quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

 

Trước hết, xin ông cho biết đôi nét về quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Anh thời gian qua?


Việt Nam và Vương quốc Anh thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Sau một quá trình phát triển, đến tháng 9/2010, hai nước ký Thỏa thuận đối tác chiến lược trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tới Anh. Một năm sau, ngày 24/11, tại London, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) và Thượng Nghị sĩ Ashtor, Thứ trưởng BQP Anh, đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Văn kiện này góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác Chiến lược Việt - Anh, trong đó tập trung vào 4 nội dung chính là trao đổi đoàn công tác các cấp nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu về chiến lược quốc phòng; tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ và nhân viên kỹ thuật quốc phòng; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng… Ngoài ra, hai bên nhất trí thành lập Nhóm công tác hỗn hợp để thúc đẩy thực hiện Bản ghi nhớ trên ba nhóm nội dung là nghiên cứu chiến lược quốc phòng, hợp tác quốc phòng và hợp tác công nghiệp quốc phòng. Cho đến nay, Nhóm công tác hỗn hợp này hằng năm được tổ chức luân phiên ở mỗi nước để tổng kết lại những công việc hợp tác trong năm và vạch ra những công việc hợp tác cho năm tiếp theo.


Quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Anh trong những năm qua được thúc đẩy mạnh. Phía Anh sẵn sàng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực mà ta quan tâm như: thủy đạc, rà phá bom mìn, xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình... Hiện nay, BQAnh vẫn tài trợ các chương trình đào tạo tiếng Anh cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam thông qua Hội đồng Anh tại Việt Nam hoặc cấp học bổng cho sĩ quan QĐND VN tham gia các khóa học tại Học viện Quốc phòng, Học viện Chỉ huy tham mưu của BQP Anh. Việt Nam cũng cho phép các tàu chiến của Anh ghé thăm hữu nghị cảng của Việt Nam theo lịch trình đi qua các nước châu Á của Hải quân Anh. Đồng thời ta cũng mời sĩ quan Quân đội Anh sang tham dự các khóa học ngắn hạn tại Học viện Quốc phòng và tham dự các khóa học tiếng Việt tại các cơ sở đào tạo của BQP ta.

 

Anh là một trong 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành viên Nhóm 7 nước Công nghiệp phát triển (G7), thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)... Vậy việc mở Phòng Tùy viên Quốc phòng (TVQP) Việt Nam tại Anh vào thời điểm hiện nay có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình hội nhập quốc tế của đất nước ta, thưa ông?


Quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Anh trong những năm qua có nhiều bước phát triển. Bộ Quốc phòng Anh có TVQP kiêm nhiệm tại Việt Nam từ những năm 1990 và chính thức đặt TVQP thường trú tại Việt Nam từ năm 2013. Như vậy, việc ta mở Phòng TVQP là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp đặc điểm quan hệ hiện nay giữa hai nước. Cũng xin nhấn mạnh thêm rằng, Anh là nước cuối cùng trong 5 nước ủy viên thường trực  HĐBA LHQ ta có Phòng TVQP.


Quá trình hội nhập quốc tế của đất nước ta diễn ra trên nhiều lĩnh vực như hội nhập quốc tế về kinh tế, về chính trị- ngoại giao, về an ninh - quốc phòng, về văn hóa... Việc mở Phòng TVQP tại Anh là một trong những nội dung cụ thể, thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về Hội nhập quốc tế về quốc phòng và có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình hội nhập quốc tế chung của đất nước ta. Nhất là trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần tăng cường hội nhập sâu rộng hơn nữa để tăng cường sự hiểu biết và tranh thủ sự ủng hộ của các nước bạn bè quốc tế, đặc biệt là các nước lớn như Anh nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định.                            

 

Theo ông, việc Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước trên thế giới, trong đó có Anh, sẽ góp phần duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á như thế nào? 


Điều dễ thấy là trong những năm gần đây, xu thế hợp tác, trong đó có hợp tác về quốc phòng tại châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra sôi động hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới. Nếu cách đây vài thập kỷ, hợp tác quốc phòng chỉ giới hạn ở một số nước, chủ yếu là song phương, hoặc trên một số lĩnh vực, thì ngày nay, hợp tác quốc phòng trong khu vực đã được mở rộng theo hướng đa phương, bao gồm nhiều nước trên nhiều lĩnh vực. Ngay cả những nước đã từng mâu thuẫn, đối đầu với nhau cũng đang hướng đến hợp tác quốc phòng ngày càng rõ hơn. Nhờ xu hướng hợp tác đó, chúng ta đã có được những bước tiến trong việc xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, và đó là một trong những nhân tố quan trọng để giảm thiểu các nguy cơ xung đột, góp phần bảo đảm khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng trong hơn ba thập kỷ qua về cơ bản là hòa bình và ổn định.


Việc Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước trên thế giới, trong đó có Anh, là một xu thế tất yếu, phù hợp với những gì đang diễn ra trong mối quan hệ quốc tế hiện nay giữa các nước. Nếu như không có hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng, các nước ASEAN... thì sẽ không có sự hiểu biết lẫn nhau giữa giới quân sự các nước, không có các đường dây nóng giữa các quân khu sát biên giới, giữa hải quân các nước trong khu vực thì một xung đột nhỏ tại khu vực biên giới, hay trên biển (như việc ngư dân đánh bắt cá trộm...) đều rất có thể dẫn đến mất kiểm soát và đi đến xung đột lớn hơn. Ngay cả việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cũng phải có hợp tác quốc phòng giữa các nước mới có thể giải quyết được vấn đề. Trong các cuộc tiếp xúc với các quan chức lãnh đạo BQP Anh, họ luôn nhấn mạnh vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trong khu vực, đồng thời bày tỏ sự quan tâm tới khu vực Đông Nam Á, khu vực có nhiều tiềm ẩn khó lường và họ đều khẳng định rằng việc các nhà quân sự ngồi được vào với nhau sẽ tránh được những tính toán nhầm lẫn vì thiếu thông tin.


Ngoài ra, việc Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước lớn, các nước phát triển trong đó có Anh, không những để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, tiếng nói của các nước đối với những vấn đề khu vực mà còn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, mua sắm trang bị, xây dựng quân đội mạnh. Đây là nhân tố quan trọng để đảm bảo quốc phòng đất nước, trên cơ sở đó tạo ra  môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.

           

Xin ông cho biết phương hướng phát triển hợp tác quốc phòng Việt Nam - Anh trong thời gian tới sau khi cả hai nước đã mở Phòng Tùy viên Quốc phòng?


Trong thời gian tới, việc trước mắt là phải sửa đổi, bổ sung Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước đã ký từ năm 2011 cho phù hợp với tình hình, với điều kiện và khả năng của mỗi nước, trên cơ sở đánh giá việc thực hiện các nội dung hợp tác trong 5 năm qua. Tiếp đó là xúc tiến thiết lập cơ chế Đối thoại Quốc phòng cấp thứ trưởng Việt Nam - Anh nhằm tăng cường trao đổi thông tin, tạo sự hiểu biết lẫn nhau hơn nữa ở cấp vĩ mô. Cơ chế này đã được thực hiện với tất cả các nước thành viên thường trực HĐBA LHQ và nhiều nước khác có mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Bên cạnh đó là tăng cường thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, các quân binh chủng, các viện nghiên cứu, học viện của BQ hai nước nhằm trao đổi kinh nghiệm, học thuật, nghiên cứu phát triển.


Tiếp tục thực hiện những chương trình mà hai BQP đã và đang xúc tiến triển khai bước đầu như các dự án liên quan tới rà phá bom mìn, hợp tác huấn luyện và chia sẻ kinh nghiệm liên quan tới lực lượng gìn giữ hòa bình, hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng....  Những nội dung này mới hình thành ở dạng ý tưởng và khảo sát. Trong thời  gian tới hai bên cần tiếp tục nỗ lực để những ý tưởng này được triển khai cụ thể và sâu sắc hơn.  Như vậy, quan hệ về quốc phòng Việt Nam-Anh có rất nhiều tiềm năng và triển vọng, giữa hai nước có các khung pháp lý để triển khai. Phòng TVQP Việt Nam tại Anh phải tích cực, chủ động để tham mưu cho Lãnh đạo BQP hợp tác hiệu quả, vì lợi chung của cả hai bên.

Bài, ảnh: Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại London)
Việt - Anh thúc đẩy hợp tác giáo dục bền vững
Việt - Anh thúc đẩy hợp tác giáo dục bền vững

Các trường Đại học Việt Nam sẽ mạnh dạn xây dựng nhiều chương trình hợp tác hơn nữa với các trường đối tác cũng như với các doanh nghiệp của Vương quốc Anh trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN