Những ngày qua, huyện vùng cao biên giới Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa bị ảnh hưởng bởi mưa lũ lớn chưa từng có. Cơn lũ đi qua, trên khắp các bản làng vùng cao biên ải này, đi đến đâu cũng gặp cảnh hoang tàn đổ nát bởi tài sản, vật nuôi, hoa màu đều bị cuốn trôi theo dòng lũ hoặc nằm vùi dưới lớp đất đá. Người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng về đợt mưa lũ lịch sử này.
Đến ngày 6/9, Mường Lát vẫn đang bị cô lập. Tại đây vẫn còn 96 điểm sạt lở trên với khối lượng đất đá khoảng 3 triệu m3 trên quãng đường 30 km từ xã Nhi Sơn đến thị trấn Mường Lát. Chúng tôi phải đi thuyền dọc sông Mã mới tiếp cận được huyện Mường Lát. Khó khăn lắm chúng tôi mới vào được bản Poọng, xã Tam Chung. Đây cũng là một trong những bản bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua.
Cảnh tượng bản Poọng tan hoang hiện ra khiến chúng tôi không thể tin vào mắt mình. Bản làng đông đúc này giờ chỉ còn là một bãi đất đá ngổn ngang, cùng với những nóc nhà xiêu vẹo. Cả bản có 89 hộ với 418 nhân khẩu chủ yếu đồng bào dân tộc Thái sinh sống, nhưng mưa lũ đã cuốn trôi và làm sập hoàn toàn nhà cửa của 65 hộ dân, 24 hộ còn lại bị ngập trong bùn đất.
Đi đến đâu cũng gặp cảnh hoang tàn đổ nát bởi tài sản, vật nuôi, hoa màu đều bị cuốn trôi theo dòng lũ hoặc nằm vùi dưới lớp đất đá, hạ tầng giao thông bị chia cắt hoàn toàn do sạt lở.
Trở về bản sau 5 ngày nước lũ ngập tràn, anh Ngân Văn Ếu không tìm thấy nhà của mình đâu. Anh Ếu cho biết: "Từ hôm gia đình tôi được Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương đưa đi sơ tán vào đồn Tam Chung, hôm nay về tìm thì không thấy nhà đâu nữa. Toàn bộ tài sản của vợ chồng tôi tích góp bao nhiêu năm đã bị vùi lấp theo dòng nước lũ hết rồi".
Ông Lò Quốc Tính, Trưởng bản Poọng chia sẻ: “Mất mát lớn lắm các chú ơi, nhiều hộ dân chỉ trong phút chốc bỗng trắng tay, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua, động viên nhau làm lại từ đầu. Nhưng may nhất là bản chúng tôi không có ai bị chết hoặc mất tích".
Trước đó do các lực lượng chức năng gồm Bộ đội Biên phòng đồn Tam Chung, chính quyền địa phương khẩn trương di dời các hộ dân đến nơi an toàn, bố trí cho người dân ở xen ghép tại các bản không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ nên không có thiệu hại về người.
Không chỉ bản Poong ở xã Tam Chung bị thiệt hại nặng nề mà rất nhiều các bản làng khác trên địa bàn huyện Mường Lát cũng bị tan hoang sau lũ dữ và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn lương thực, nước sạch. Tại các bản, lượng lương thực, thực phẩm trong dân cũng cạn dần.
Khó khăn nhất hiện nay là vẫn còn nhiều bản bị cô lập, không có dầu diezen để xay lúa, cối giã gạo cũng không có, nước sạch cũng đã hết. Đặc biệt trên 600 hộ dân với gần 2.500 khẩu phải sơ tán do nhà sập, hoặc phải sơ tán do sống trong khu vực có nguy cơ cao sạt lở. Từ ngày được sơ tán mỗi khẩu được hỗ trợ 5-6 kg gạo.
Hiện ở Đoàn Kinh tế quốc phòng 5 (Quân khu 4), Ban Chỉ huy quân sự huyện Mường Lát, và đồn Biên phòng Tam Chung đã hỗ trợ cho 600 người được ăn nghỉ tại đây trong những ngày mưa lũ vừa qua.
Ông Phạm Bá Điểm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mường Lát cho biết: Do bị mưa lũ cô lập một tuần nay nên lượng lương thực, thực phẩm trong dân và các nguồn huy động của huyện đã cạn. Nhưng rất may trong ngày 6/9 đã có 4 tấn gạo đầu tiên được vận chuyển lên trung tâm huyện Mường Lát, huyện cũng khẩn trương cấp phát số gạo này cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Nhưng để vận chuyển được 4 tấn gạo về đến trung tâm huyện để cấp phát cho người dân cũng là cả một quá trình gian nan, nguy hiểm của các chiến sỹ đồn Biên phòng Trung Lý và Công an huyện Mường Lát.
Các lực lượng này đã phải sử dụng xe máy chở từng bao gạo nặng 50 kg, thùng mì tôm vượt qua quãng đường hơn 10 km lầy lội với hơn 10 điểm sạt lở, bùn đất dày 50 cm từ xã Trung Lý đến cầu Chiền Nưa (cầu nối giữa xã Trung Lý và Mường Lý), sau đó được chuyển lên xuồng máy ngược dòng sông Mã trên quãng đường 13 km với sức nước chảy rất xiết để đưa gạo về trung tâm huyện. Từ đây gạo sẽ phân phối, cấp phát cho đồng bào vùng lũ.
Cũng trong đợt mưa lũ vừa qua, Mường Lát đã có 5 người chết, 3 người mất tích, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã phải di dời hơn 600 hộ dân với gần 2.500 khẩu do nhà bị sập hoặc nhà ở trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Lực lượng Quân đội, Biên phòng, Công an cũng đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ, giúp dân dọn dẹp nhà cửa, trường học, trụ sở làm việc.
Bước đầu các lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương hỗ trợ cho các hộ bị mất nhà 7,5 triệu đồng, 5 triệu đồng cho những hộ có nhà bị sập và 8 triệu đồng cho những gia đình có người chết và mất tích.
Trên tuyến đường Quốc lộ 15C, tuyến đường huyết mạch nối với huyện Mường Lát vẫn chưa được thông tuyến. Dự kiến nếu thời tiết thuận lợi cũng phải mất 2-3 ngày nữa Mường Lát mới thoát được cảnh cô lập.