Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, trọng tâm là ngân sách nhà nước

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, chiều 23/10, Quốc hội nghe báo cáo và báo cáo thẩm tra về đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn, triển khai Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội, trên cơ sở tổng mức vốn và các nguyên tắc, tiêu chí được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đạt khoảng 90% tổng mức vốn được Quốc hội cho phép phân bổ. Số vốn còn lại đã chuyển về dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn; Quốc hội cho phép Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục hoàn thiện thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tổng kế hoạch đầu tư công hằng năm (từ năm 2021 - 2023) được Quốc hội quyết nghị đạt 59% tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Cơ cấu vốn đầu tư công dịch chuyển gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại các ngành, vùng lãnh thổ bảo đảm tương quan hợp lý giữa phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội, giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP tăng, quy mô vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tăng qua các năm.

Hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế tăng lên, việc sử dụng vốn đầu tư xã hội nói chung và vốn đầu tư công nói riêng được cải thiện. Tỷ lệ các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng đạt 52% tổng số dự án trong giai đoạn 2021 - 2025. Đầu tư công đã phát huy vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình 2 năm 2021 và 2022 đạt 93,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và trong 9 tháng đầu năm 2023 giải ngân đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 46,7%.

Thời gian qua đã khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm. Thể chế về đầu tư công tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới...

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn liên quan đến việc chậm ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án đầu tư công; chậm phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cũng như phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công hằng năm cho các nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tại một số nơi, một số thời điểm còn lúng túng, bị động, hiệu quả chưa cao. Chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt; khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thủ tục đấu thầu kéo dài, giá nguyên nhiên vật liệu xây dựng tăng, khan hiếm…

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh cần huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước bố trí kế hoạch năm 2024, 2025 đáp ứng nhu cầu còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Bên cạnh đó là chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án; đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quy mô lớn, trọng điểm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm...

Phản ánh thực chất số liệu giải ngân của các năm

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nhấn mạnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, ước đạt cao so cùng kỳ năm 2021, 2022; đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về số liệu này, trong đó cần tính toán tỷ lệ giải ngân thực tế để phản ánh đúng thực chất về số liệu giải ngân của các năm.

Đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ cần xem xét kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện về tính hợp lý của việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn ODA, tránh lãng phí, tạo gánh nặng về nợ công trong khi không bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.

Bên cạnh đó, Chính phủ báo cáo rõ tình hình thực hiện các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang; công tác quyết toán các dự án hoàn thành; tình hình chuyển nguồn đầu tư công trong giai đoạn 2021 - 2023; đánh giá tổng thể về nguồn lực, tình hình giải ngân, hiệu quả sử dụng vốn. Trên cơ sở đó, làm căn cứ xem xét, bố trí nguồn lực đầu tư công hằng năm, kế hoạch vay, trả nợ cũng như định hướng xây dựng Kế hoạch đầu tư công giai đoạn tiếp theo.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình rõ và so sánh với số vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và vay trả nợ hằng năm để có giải pháp tránh lãng phí trong huy động, sử dụng nguồn lực.

Về nguồn vốn ngân sách Trung ương trong 2 năm tới, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ khả năng cân đối vốn thực tế, tình hình giải ngân vốn đã phân bổ 3 năm qua, tập trung phân bổ, điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương đánh giá kỹ về khả năng thu tiền sử dụng đất đề có giải pháp xử lý phù hợp; điều chỉnh các dự án theo quy định; đồng thời, xây dựng kế hoạch năm 2024 bảo đảm tính khả thi, sát thực tế tránh bị động trong thực hiện cân đối thu, chi ngân sách nhà nước, có thể dẫn đến các dự án thiếu vốn, dở dang, kéo dài, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện trong các năm tiếp theo.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nghiêm túc thực hiện quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công; tăng cường khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ quyết toán các công trình, dự án hoàn thành, báo cáo cụ thể danh mục, số lượng dự án sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đã hoàn thành đến hết năm 2022 và dự kiến hết năm 2023.

Chính phủ rà soát kỹ tình hình phân bổ vốn, giải ngân vốn đã phân bổ, trên cơ sở đó điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công…

Diệp Trương (TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tiếp tục đề xuất Bộ Tài chính quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu
Đại biểu Quốc hội tiếp tục đề xuất Bộ Tài chính quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu

Chiều nay (23/10), giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tăng. Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đánh giá, việc giao cho Bộ Tài chính và Bộ Công Thương phối hợp điều chỉnh theo chu kỳ hiện nay là hợp lý, phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN