Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, xăng dầu trong nước chỉ cung cấp khoảng 30% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Trong bối cảnh xung đột tại Trung Đông và Đông Âu hiện nay, giá xăng dầu bất ổn, việc điều chỉnh giá xăng dầu của hai bộ cũng khó khăn.
Trong khi đó, “quỹ bình ổn giá xăng dầu đang giao cho doanh nghiệp quản lý, khi doanh nghiệp có lãi thì giữ được, còn thua lỗ thì quỹ này đi đâu về đâu. Thời gian qua, có trường hợp doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, lấy quỹ này thế chấp ngân hàng đề trả nợ, rất bất cập”, đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ ra thực tế.
Đại biểu này đề xuất, quỹ bình ổn giá xăng dầu không nên giao cho doanh nghiệp quản lý mà giao cho Nhà nước quản lý, bởi đây vẫn là mặt hàng Nhà nước có một phần bao cấp. Chưa kể, quỹ này từ tiền đóng góp của người dân, để tại doanh nghiệp nếu họ dùng tiền vào mục đích khác sẽ không công bằng.
Theo đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu nên giao cho Bộ Tài chính trực tiếp quản lý. Trong trường hợp bất ổn xảy ra, Bộ Tài chính sẽ chi từ số tiền này ra cho các doanh nghiệp, đại lý xăng dầu để bình ổn, từ đó bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Về chu kỳ điều chỉnh, có thể 10 ngày như hiện nay hoặc 7 ngày, điều này tuỳ thuộc vào biến động xăng dầu thế giới.
Tính đến 15 giờ hôm nay, Quỹ bình ổn giá xăng dầu Petrolimex còn 3.048 tỷ đồng, giảm 2 tỷ đồng so với mức 3.050 tỷ đồng của kỳ điều chỉnh ngày 11/10. Trước đó, Bộ Công Thương vừa công bố thông tin tăng giá xăng dầu theo kỳ điều chỉnh 10 ngày trong chiều nay.
Trong kỳ này, từ ngày 11 – 23/10, thị trường xăng dầu thế giới chịu ảnh hưởng của các yếu tố như nguy cơ xung đột Israel - Hamas có thể lan rộng ra khu vực; tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ giảm do nhu cầu dầu diesel và dầu sưởi tăng cao; Iran, thành viên OPEC, đã kêu gọi cấm vận dầu mỏ đối với Israel vì xung đột ở Gaza… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu thế chung là tăng nhẹ.