Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được những kết quả đặc biệt quan trọng. Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân.
Đối với Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, kinh tế tập thể sau 20 năm thực hiện với nòng cốt là hợp tác xã tiếp tục phát triển về số lượng; hình thành một số mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả; góp phần thay đổi nhận thức của hệ thống chính trị và xã hội về kinh tế tập thể, hợp tác xã, khẳng định tính ưu việt, bản chất, vị trí, vai trò và tính tất yếu khách quan của phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Phát biểu tại kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, hai nghị quyết đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn; khu vực kinh tế tập thể, phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây “tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm lại, chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu”, “Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn; đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn”, “Giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu - nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, kiểm soát và xử lý các mâu thuẫn, xung đột xã hội. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập”.
Ở khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, “Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác còn chậm, nhiều hợp tác xã chưa làm tốt vai trò liên kết, hỗ trợ kinh tế hộ”.
Tại kỳ họp, với tinh thần trách nhiệm cao, 18 ý kiến của các đại biểu đã phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay về phát triển tam nông; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, giải pháp chủ yếu để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Các ý kiến đã phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay qua 20 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá để tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong bối cảnh mới.
Các đại biểu cũng quan tâm đến việc xây dựng nông thôn kiểu mẫu nhưng phải có lộ trình để không dẫn đến đô thị hóa nông thôn; Có chiến lược phát triển kinh tế nông thôn cùng với thương mại, dịch vụ; Xây dựng nông nghiệp phát triển đa mục tiêu, đa kinh tế, quan tâm đến sinh thái, môi trường, du lịch và ứng phó biến đổi môi trường, khí hậu; Xây dựng nền nông nghiệp minh bạch theo hướng nông nghiệp sinh thái; Phát huy vai trò của người nông dân, có chính sách phát triển nguồn nhân lực nông thôn tốt hơn; gắn phát triển tam nông với nhiệm vụ an ninh quốc phòng, xác định phát triển tam nông là nhiệm vụ chính trị...
Các đại biểu đề xuất cần có nghị quyết mới thay thế để phù hợp hơn với thực tiễn.
Tại kỳ họp, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ, tỉnh xác định một trong các trụ cột là: Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng giàu đẹp - nghĩa tình - văn minh - hiện đại - sinh thái, phục hồi sản xuất kinh doanh; kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; vận dụng cơ chế thị trường để chuyển hóa các tài nguyên văn hóa thành nguồn lực văn hóa.
Phát biểu kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, nội dung tham luận của các thành viên Hội đồng. Các ý kiến tham gia sẽ được tiếp thu, bổ sung vào dự thảo báo cáo. Chủ tịch Hội đồng Lý luận nhấn mạnh, báo cáo phải tiếp tục làm rõ vai trò của nông dân trong nông thôn hiện đại, phát triển dựa trên các tiêu chí, phải hội nhập, thay đổi tư duy. Hiện đại phải gắn với thị trường, công nghệ để huy động được nguồn lực kinh tế. Trong điều kiện hiện nay, sự cạnh tranh rất khốc liệt, phải hạn chế bán sản phẩm thô, đẩy mạnh công nghệ chế biến, hình thành những chuỗi liên kết trong phát triển nông nghiệp. Vai trò của kinh tế nhà nước chính là để bảo đảm cân đối nền kinh tế, giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế; cần đổi mới, bổ sung, hoàn thiện Luật Hợp tác xã là rất cần để phù hợp với tình hình mới.