Tạo điểm nhấn cho bức tranh 'tam nông'

Tiếp tục sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn văn minh, tạo đột phá cho vùng quê nghèo Ân Thi. Đây là ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng tại Lễ đón bằng công nhận huyện Ân Thi đạt chuẩn nông thôn mới, diễn ra ngày 14/11.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng (bên phải) trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ân Thi. 

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên ghi nhận, Ân Thi đã có nhiều đột phá, tạo lợi thế và tiền đề từ những khó khăn, xuất phát điểm thấp để vươn lên.  Từ một huyện thuần nông nghèo, giao thông khó khăn, sản xuất nông nghiệp manh mún, công nghiệp chưa có, qua 9 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt hơn 9,5%.Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt hơn 50 triệu đồng/năm. Huyện huy động trên 5,1 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất.

Kết cấu hạ tầng được cải thiện với trên 700 km đường giao thông đã nâng cấp. Trên địa bàn có nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua, đặc biệt như: cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường nối 2 đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường Quốc lộ 38 mới, đường nối đường Vành đai 5 với QL.38 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường 376 mới... Đây là các tuyến trọng điểm, tạo liên kết vùng huyện với các địa phương khác, nhằm phát huy tiềm năng, tạo lợi thế, tiền đề cho sự phát triển đột phá về kinh tế.

Điểm nhấn nổi bật là trên địa bàn huyện hiện có Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Lý Thường Kiệt vừa được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thuộc các xã: Xuân Trúc, Quảng Lãng, Vân Du, Đào Dương, Quang Vinh và thị trấn Ân Thi. Các khu công nghiệp Phù Ủng, Bãi Sậy, Tân Phúc, Hoàng Hoa Thám, Quang Vinh, Văn Nhuệ có tổng diện tích gần 3.000 ha được phê duyệt; 4 cụm công nghiệp được thành lập với diện tích trên 200 ha đã thu hút trên 30 dự án đi vào hoạt động.

Tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá, làng nghề chạm bạc Huệ Lai, xã Phù Ủng được công nhận là làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho trên 400 lao động, doanh thu đạt trên 25 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân lao động khoảng 70 triệu đồng/người/năm.

Chú thích ảnh
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Trần Quốc Văn (bên phải) trao Huân chương Lao động hang Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ân Thi. 

Chủ tịch UBND huyện Ân Thi Mai Xuân Giới cho hay, huyện đang quy hoạch 4 vùng nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng hơn 2.200 ha tập trung tại các xã: Tiền Phong, Nguyễn Trãi, Đa Lộc, Hạ Lễ, Hồng Vân, Hồ Tùng Mậu, Bãi Sậy, xã Phù Ủng, Bắc Sơn. Theo đó, coi trọng tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; sản xuất theo chuỗi, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa.

Hiện giá trị thu nhập bình trên diện tích canh tác toàn huyện đạt 203 triệu/ha/năm; lúa chất lượng cao đạt 69% diện tích gieo cấy. Huyện đã chuyển đổi trên 1.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản giá trị hiệu quả kinh tế cao. Đáng chú ý, xây dựng được 14 vùng sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh thu từ 350 - 600 triệu đồng/ha/năm, quy mô từ 30 - 50 ha.

Đến nay, huyện Ân Thi có 1 sản phẩm gạo chất lượng cao được chứng nhận OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Năm 2020 tiếp tục xây dựng sản phẩm  đạt 3 sao đối với sản phẩm nấm tươi của Hợp tác xã Nam Hàn và sản phẩm gạo của Công ty chế biến thực phẩm Hưng Việt.

Mô hình sản xuất theo hướng tập trung, an toàn sinh học được nhân rộng. Đến nay đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 6 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác, 5 nhóm sản phẩm nhãn quả, nấm, cam, thịt lợn, cá với hơn 60 ha và 1 cơ sở chăn nuôi có số lượng hơn 70.000 con/năm. 

Huyện hiện có gần 500 trang trại, gia trại, trong đó có 60 trang trại có doanh thu hàng năm đạt trên 1 tỷ đồng tạo việc làm cho trên 1.500 người, tổng giá trị hàng hóa bán ra đạt 230 tỷ đồng. Một số trang trại ở các xã Đào Dương, Quang Vinh áp dụng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm vơi các siêu thị ở Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội. Trên địa bàn cũng có 4 doanh nghiệp tạo mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử (đứng giữa) trao bằng khen cho các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng nông thôn mới. 

Chia sẻ về chiến lược "tam nông" trong chặng đường mới, Bí thư Huyện ủy Ân Thi Nguyễn Lê Huy cho biết, từ những đột phá trong nông nghiệp nông thôn, giai đoạn 2020 - 2025 huyện phấn đấu có ít nhất từ 25 - 35% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trên 10% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; mỗi xã phấn đấu đạt từ 1-2 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xã Hồng Quang trở thành Thị trấn; xã Tân Phúc đạt tiêu chí đô thị loại V. Huyện tiếp tục chỉnh trang, mở rộng không gian đô thị địa bàn Thị trấn Ân Thi và khu vực lân cận, hình thành các khu dân cư mới có hạ tầng đồng bộ,  cảnh quan xanh sạch đẹp, để nông thôn thực sự trở nên văn minh, đáng sống.

Tin, ảnh: Mai Ngoan (TTXVN)
 Nạ Tẩm phấn đấu xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu
Nạ Tẩm phấn đấu xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu

Ngày 14/11, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo Quân khu I, đã tới dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tại Khu dân cư xóm Nạ Tẩm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa (Thái Nguyên).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN