Đại diện chính quyền Horné Saliby, các nghĩ sĩ và lãnh sự danh dự, bạn bè Slovakia cùng toàn thể cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, đại diện Hội người Việt Nam và các hội đoàn thể tại Slovakia, cũng như kiều bào đang sinh sống, học tập và làm việc trên toàn Slovakia đã tham dự chương trình.
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, trong phát biểu khai mạc buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Tuấn đã ôn lại về thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến cả cuộc đời đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, mãi mãi là vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, ngọn đuốc sáng soi đường trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thành công như ngày hôm nay. Người luôn là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống để toàn thể dân tộc Việt Nam noi theo. Đại sứ Nguyễn Tuấn cảm ơn chính quyền, người dân thị trấn Horné Saliby và toàn thể cộng đồng đã trân trọng lưu giữ những kỷ vật cũng như hồi ức quý báu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại sứ Nguyễn Tuấn nhấn mạnh, đề án tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đề án tổng thể lớn của Bộ Ngoại giao, một phần trụ cột của công tác ngoại giao văn hóa.
Sau 65 năm, tại Tòa Thị chính thị trấn Horné Saliby vẫn lưu giữ được nguyên vẹn quyển sổ lưu niệm, trong đó có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những hình ảnh chuyến thăm của Người đến địa phương năm 1957. Việc phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tổ chức sự kiện lần này là mong muốn và vinh dự của chính quyền Horné Saliby, nơi đặt biển đồng lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc mà mọi người đều ngưỡng mộ.
Thị trưởng Horné Saliby, ông Pavol Dobosy cho biết, Hội đồng địa phương và các nghị sĩ đã thông qua quyết định đặt biển đồng lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để lưu giữ lại kỷ niệm khi Người đến thăm địa phương, khi đó là một trong những điển hình về sản xuất nông nghiệp của Slovakia. Ông bày tỏ, chính quyền và cộng đồng tại đây luôn sẵn sàng hợp tác với Đại sứ quán Việt Nam để tiếp tục cùng nhau gìn giữ những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh như biểu tượng về tình cảm tốt đẹp và hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.
Trong ký ức của những người cao tuổi tại đây vẫn luôn lưu giữ những hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người khiêm tốn, giản dị và thân mật. Bà Katarina Filova, năm nay gần 80 tuổi, cho biết rất lấy làm tiếc vì lý do sức khỏe nên không thể tham dự sự kiện có ý nghĩa quan trọng này. Đối với bà, giây phút tặng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn là một cô bé cách đây 65 năm đã đi theo bà suốt cuộc đời và luôn kể lại cho con cháu về ấn tượng của khoảnh khắc không thể nào quên.
Đại diện cho bà con kiều bào Việt Nam tại Slovakia, ông Nguyễn Đồng Hải cho biết đây là cơ hội quý báu để cộng đồng người Việt Nam tại Slovakia ôn lại lịch sử, được hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như những công lao và đóng góp của Người cho đất nước, đồng thời khơi gợi lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Slovakia.
Ông Nguyễn Hữu Ấn, nguyên Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội 1, cựu du học sinh khóa 1962-1968 Đại học Tổng hợp Bratislava, CH Slovakia chia sẻ: "Là những thế hệ đầu tiên được nhà nước cử đi học và được sự giúp đỡ của nước bạn để trở thành nhứng trí thức về phục vụ đất nước, chúng tôi rất xúc động khi được về dự lễ kỷ niệm sinh nhật Bác".
Trong không khí trang trọng và ấm áp tình hữu nghị, các đại biểu đã được thưởng thức các tiết mục văn nghệ trong đó có ca khúc "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" và tham quan triển lãm ảnh tư liệu lịch sử về các hoạt động trong chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng nhau giao lưu, thưởng thức các món ẩm thực truyền thống Slovakia và đặc trưng của quê hương Việt Nam.