Tại lễ dâng hoa tưởng niệm, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ôn lại hành trình tìm đường cứu nước của Bác, trong đó có những năm tháng Người sống và làm việc ở Anh (1913-1917). Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh trong hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của mình, tuy thời gian ở Anh không dài, nhưng tại đây, Bác đã lần đầu đọc các tác phẩm của hai nhà triết học Karl Marx và Friedrich Engels, giúp Người định hình tư tưởng chính trị và tìm ra con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.
Đại sứ khẳng định thời gian sống và làm việc tại Anh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Anh nói chung, và đặc biệt với thị trấn Newhaven nói riêng.
Đại sứ chỉ ra rằng, những di tích lịch sử như thị trấn Newhaven, tòa nhà New Zealand và nhiều địa danh khác ở London - nơi lưu dấu chân của Hồ Chủ tịch, có ý nghĩa quan trọng trong việc giới thiệu tới bạn bè Anh và quốc tế lịch sử và sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, đồng thời giúp thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam và Anh. Ông cũng nhấn mạnh lòng yêu nước, sự can đảm của Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước là bài học lớn cho các thế hệ sinh viên Việt Nam theo học tại Anh cũng như các thế hệ trẻ người Việt tại Anh.
Đại sứ bày tỏ mong muốn thông qua các di tích lịch sử này, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh có thể tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Anh, chỉ ra mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp hiện nay giữa chính quyền thị trấn Newhaven và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh nói riêng và Việt Nam nói chung. Ông cho biết chính quyền Newhaven tin tưởng, với di tích lịch sử đặc biệt về Hồ Chí Minh, Newhaven sẽ là điểm đến thu hút du khách Việt Nam đến Anh cũng như những người Việt sống tại Anh.
Newhaven là nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành từng đến khi Người làm việc trên tuyến phà quốc tế nối giữa Newhaven và thị trấn Dieppe (Pháp) qua Eo biển Manche vào khoảng thời gian sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Nhân kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2013) và 100 năm ngày Bác tới nước Anh (1913-2013), ngày 19/5/2013, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và chính quyền thị trấn Newhaven đã khánh thành Tấm bia tưởng niệm Người, được đặt phía Tây cảng Newhaven. Tại bảo tàng thị trấn Newhaven, nơi lưu giữ nhiều tư liệu và hình ảnh về lịch sử hàng hải của địa phương, có hình ảnh chiếc phà hơn 100 năm trước được cho là từng in dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng này hiện cũng trưng bày một bức tượng Hồ Chủ tịch, ghi dấu mối quan hệ lịch sử giữa Newhaven với Chủ tịch Hồ Chí Minh và với Việt Nam.
Tòa nhà 19 tầng New Zealand trên phố Haymarket nhộn nhịp giữa trung tâm London được xây dựng trên nền khách sạn Carlton, một khách sạn hạng sang mở cửa từ năm 1899-1940, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm phụ bếp trong thời gian Người sống ở London. Mặt trước của tòa nhà có gắn tấm biển màu xanh hòa bình, do Hội Hữu nghị Việt-Anh đặt từ những năm 1990, với dòng chữ “Năm 1913, Hồ Chí Minh (1890-1969)-người sáng lập nước Việt Nam-làm việc tại khách sạn Carlton, tòa nhà từng nằm trên nền đất này”.
Ngoài hai địa danh nổi tiếng này, nhiều nơi ở London cũng lưu dấu chân của Hồ Chủ tịch trong những năm tháng Người sống tại Anh, trong đó có khách sạn Draton Court, nơi Bác từng làm việc vào năm 1914; Quảng trường Soho, nơi Bác làm công việc nặng nhọc cào tuyết; và Bảo tàng Thư viện Marx, địa điểm trước đây là Nhà in Thế kỷ 20, nơi in các tác phẩm của Marx-Engels mà Hồ Chí Minh lần đầu được tiếp cận. Các địa danh này là những điểm đến không thể thiếu đối với mọi du khách Việt trong hành trình khám phá nước Anh.