Hội thảo 'Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển': Nhận diện những cơ hội và thách thức

Tiếp tục Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề: "Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển", chiều 25/12, tại Nghệ An, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Phiên họp.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Cùng tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương; Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO); hàng trăm chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước; lãnh đạo một số địa phương trong cả nước...

Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và kết nối trực tuyến với điểm cầu tại Văn phòng Chính phủ và 19 điểm cầu trên cả nước; được khai mạc sáng cùng ngày.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự tại điểm cầu Trụ sở Văn phòng Chính phủ và đã có bài phát biểu nhấn mạnh đến một số nội dung quan trọng liên quan đến hội thảo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trước đại dịch COVID-19, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và nhiều việc đang được triển khai đúng hướng. Du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển rất rõ. Tuy nhiên, du lịch là một trong những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 trong gần 2 năm qua. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp, hộ gia đình làm du lịch, các ngành phục vụ cho du lịch đã vượt qua rất nhiều khó khăn, với trách nhiệm cao nhất, nỗ lực duy trì hoạt động, hỗ trợ ở mức tốt nhất có thể cho các lực lượng trực tiếp, gián tiếp làm du lịch; cho công tác phòng, chống dịch. Nếu không nỗ lực duy trì như vậy, nhiều chuyên gia nhận định du lịch Việt Nam có thể mất 7-10 năm để khôi phục.

Theo Phó Thủ tướng, những vấn đề chung liên quan đến phát triển du lịch như thủ tục xuất/nhập cảnh, xúc tiến thị trường, hạ tầng gắn với sản phẩm, môi trường, số hoá… đã được triển khai trong những năm qua. Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều hội nghị liên kết du lịch vùng cũng đã được tổ chức để tranh thủ thúc đẩy ngành du lịch.

Phó Thủ tướng chia sẻ về hai nội dung đối với phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới. Đó là tăng cường du lịch cộng đồng với sức hấp dẫn của văn hóa dân gian, vừa bổ trợ cho sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp lớn, giúp người dân cải thiện sinh kế; cùng với đó là cần khẩn trương số hóa các nguồn tài nguyên về du lịch, đặc biệt là tài nguyên về văn hóa.

Phó Thủ tướng cho rằng ngành Du lịch đã có chiến lược, tầm nhìn, giải pháp lớn, đồng thời nêu tầm quan trọng trong vấn đề thực hiện. Phó Thủ tướng cũng lưu ý phải thực hiện thật tốt các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất, đồng thời chuẩn bị các khâu sẵn sàng mở cửa lại du lịch khi thực sự an toàn, trước mắt là khẩn trương tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ ba, bảo đảm có đủ thuốc điều trị.

Tổng kết Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Để chuẩn bị cho Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo đã tổ chức 5 buổi làm việc, tọa đàm với các chuyên gia để xin ý kiến về chủ đề và các nội dung của Hội thảo; tổ chức 2 cuộc khảo sát trực tiếp tại một số địa bàn trọng điểm về du lịch.

Trong một ngày diễn ra hội thảo, các ý kiến phát biểu đều khẳng định vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, là công cụ góp phần giảm tụt hậu, giảm chênh lệch giàu nghèo, đóng góp cho thịnh vượng chung của quốc gia; tạo việc làm và cải thiện cuộc sống người dân; bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày tham luận "Du lịch Việt Nam trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19". Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng. Từ những nhìn nhận, phân tích thực trạng, nhận diện những cơ hội và thách thức, nhiều đề xuất, kiến nghị, giải pháp đã được đưa ra nhằm phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới. Trong các giải pháp để phục hồi du lịch trong giai đoạn 2022-2023, công tác kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả và thích ứng an toàn là điều kiện tiên quyết để mở cửa du lịch an toàn. Cùng với đó là tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch phục hồi và thích ứng tình hình mới; triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023; khuyến khích phục hồi du lịch nội địa ngay vào đầu năm 2022, gắn với lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn; triển khai chứng nhận, hộ chiếu vaccine…

Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, hoàn thiện báo cáo kết quả Hội thảo và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ những chính sách, cơ chế và giải pháp cụ thể, thiết thực, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi và phát triển du lịch trong những năm sắp tới.

Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)
Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam
Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN