Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Tiếp tục Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề: "Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển", chiều 25/12, tại Nghệ An, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự phiên toàn thể Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và kết nối trực tuyến với điểm cầu tại Văn phòng Chính phủ và 19 điểm cầu trên cả nước; được khai mạc sáng cùng ngày.

Chiều cùng ngày, tại Phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có bài phát biểu nhấn mạnh đến một số nội dung liên quan đến chủ đề chính của hội thảo.

Chú thích ảnh
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch

Phát biểu tại Phiên họp chiều 25/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, ngành du lịch có vị trí, vai trò rất quan trọng. Du lịch là ngành công nghiệp không khói, du lịch góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm được nhiều chi phí, hứa hẹn lợi ích lâu dài và góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, đất nước; luôn được xem là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, có hệ số lan tỏa lớn, góp phần đa dạng xuất khẩu dịch vụ, tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, việc làm cho người dân và thịnh vượng chung của quốc gia.

Năm 2019, du lịch đã đóng góp khoảng 10,4% GDP và 10,6% việc làm toàn cầu. Ở nước ta, ngành du lịch có nhiều lợi thế và tiềm năng nhờ sự đa dạng về truyền thống lịch sử, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên. Phát triển ngành Du lịch là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, từ khi có Nghị quyết 08 ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, ngành Du lịch liên tục có bước phát triển đột phá: năm 2019, doanh thu từ ngành du lịch đạt 32,8 tỷ USD, đóng góp 9,2% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra 2,5 triệu việc làm.

Từ đầu năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã tạo sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội duy trì và phát triển: thu ngân sách 11 tháng ước đạt hơn 1,39 triệu tỷ đồng, vượt mục tiêu 3,7%, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thu nội địa tăng 6%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 599 tỷ USD, tăng 22,3%. Xây dựng hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế.

 Liên quan đến nội dung hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, như nhiều tham luận, thảo luận bàn tròn sáng cùng ngày, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có ngành du lịch. Hoạt động du lịch gần như bị đóng băng; các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch đều sụt giảm nghiêm trọng; các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hầu hết phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động; nhiều người lao động của ngành không có việc làm, phải chuyển sang việc khác. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch, Việt Nam  cũng cần nhanh chóng đón bắt xu thế này, tránh lỡ nhịp với thế giới cũng như sức bật của lực cầu trong nước.

Thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Quốc hội, Chính phủ đang tích cực thảo luận, sớm có Chiến lược phòng, chống dịch COVID-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như du lịch, vận tải, đầu tư, tiêu dùng… Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức vừa qua, nhiều lãnh đạo, chuyên gia, hiệp  hội đã đề xuất các chính sách, giải pháp tổng thể về tài khóa, tiền tệ và các chính sách phi tài chính khác; tập trung hỗ trợ phục hồi các ngành và lĩnh vực quan trọng và các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19.

Tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu: Diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, có các giải pháp hữu hiệu vừa hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, cụ thể hóa chủ trương đã được nêu tại Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng và Nghị quyết Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, không chỉ góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm theo những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.

 Liên quan tới chủ đề "Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển", Hội thảo lần này có ý nghĩa đặc biệt hơn khi hội tụ rất nhiều các ý kiến, sáng kiến, giải pháp tâm huyết, có lý luận khoa học và thực tiễn từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, và đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu, nghiên cứu sâu sắc về lĩnh vực này và các lĩnh vực liên quan.

Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu đối với ngành du lịch: “Đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững”; du lịch đóng góp khoảng 14 -15% tổng sản phẩm quốc nội”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tác động của dịch COVID-19 đã làm thay đổi bối cảnh và xu thế phát triển du lịch của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Do đó, cần có sự đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành du lịch; đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch; nghiên cứu sâu các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới.

 Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 30, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết dành ngân sách cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ ngành liên quan đã chủ động, kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành một số nghị quyết cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong đó có ngành du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, đòi hỏi cần có giải pháp hiệu quả, toàn diện hơn nữa.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch; kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng chống dịch để mở cửa an toàn; chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển du lịch; các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, mỗi địa phương phải xây dựng cho được môi trường, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần thực hiện hiệu quả Quyết định 1129 ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”, từ đó thúc đẩy mua sắm, thăm quan, thưởng thức văn hóa văn nghệ, ẩm thực, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động; phát triển các hình thức du lịch tham quan, du lịch ẩm thực, du lịch xanh, du lịch kết hợp với hội nghị, du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng, tận dụng tối đa tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác. Do đó, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch cần xem xét hài hòa, tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Hội thảo cần thảo luận sâu, tìm ra các giải pháp thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường.

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban tổ chức Hội thảo không chỉ tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, mà cần tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để bao phủ hết các đối tượng tác động. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền tiếp thu ý kiến đại biểu tại Hội thảo, có các giải pháp cụ thể, thực thi, nhất quán từ Trung ương đến địa phương để tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này.

Phóng viên TTXVN sẽ tiếp tục phản ánh về hội thảo quan trọng này.

Hoàng Hoa - Văn Nhật (TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội dự Hội thảo 'Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển'
Chủ tịch Quốc hội dự Hội thảo 'Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển'

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đối với du lịch Việt Nam, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các chỉ tiêu phát triển liên tục sụt giảm nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN