Với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt kết quả tích cực, dịch bệnh từng bước được kiểm soát, các hoạt động thích ứng với trạng thái “bình thường mới” đã và đang được triển khai một cách mạnh mẽ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế nhanh chóng hồi phục.
Tuy nhiên, những khó khăn đối với ngành Du lịch còn rất nặng nề, nhiều “điểm nghẽn” cần sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự chung tay của cộng đồng để tháo gỡ, đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Còn nhiều khó khăn phía trước
Từ giữa năm 2020 đến thời điểm hiện tại, du lịch quốc tế đóng cửa, du lịch nội địa cũng không thể triển khai khiến toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch ngưng trệ, “đóng băng”. Nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đều tạm đóng cửa; hướng dẫn viên du lịch, người lao động trực tiếp, gián tiếp trong ngành không có việc làm, thu nhập sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú cạn kiệt nguồn lực phải giải thể…
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc tới nền kinh tế - xã hội không chỉ ở trong nước mà ở toàn cầu. Vì vậy, suy giảm kinh tế là điều không thể tránh khỏi ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia có bề dày về sự phát triển, có nguồn lực lớn.
Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các chỉ tiêu phát triển liên tục giảm sút nghiêm trọng. Năm 2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế nên lượng khách du lịch giảm tới 80% so với năm 2019, chỉ đạt 3,7 triệu lượt; khách du lịch nội địa giảm 34% so với cùng kỳ; tổng doanh thu từ khách du lịch giảm tới 59%. Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong 10 tháng qua, du lịch quốc tế tiếp tục đóng cửa, du lịch nội địa giảm thêm 42,5% so với năm 2020.
Có thể nói, tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành rơi vào tình trạng khủng khoảng, 90 - 95% doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm trước, thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm sút, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, du lịch là một động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đóng góp cho thịnh vượng chung của mỗi quốc gia. Du lịch cũng là một công cụ góp phần giảm tụt hậu, chênh lệch giàu nghèo cho những vùng lạc hậu, xa xôi hẻo lánh, nơi ít có điều kiện phát triển công nghiệp. Đối với Việt Nam, du dịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trực tiếp 9,2% GDP quốc gia. Đại dịch COVID-19 gây ra những tác động rất lớn đến ngành Du lịch Việt Nam.
Động lực tạo ra những xu hướng du lịch mới
Theo ông Cấn Văn Lực, dịch COVID-19 tác động nặng nề đến ngành du lịch nhưng lại gián tiếp tạo nên các xu hướng du lịch mới cả trong ngắn hạn và dài hạn. Để hỗ trợ phát triển và khai thông luồng khách du lịch quốc tế, nhiều quốc gia đã triển khai giấy phép, chứng nhận tiêm vaccine, hộ chiếu vaccine. Đây là chìa khóa để mở cửa ngành du lịch trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế được đi lại thuận tiện hơn trong đại dịch. Bên cạnh đó là xu hướng “du lịch không chạm”, nghĩa là hạn chế tiếp xúc giữa người với người, giữa người và vật dụng, nhưng lại tăng khả năng trải nghiệm của du khách với các thiết bị và công nghệ tự động hóa.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dịch COVID-19 với việc hạn chế đi lại sẽ kéo du khách quay về với du lịch nội địa, du lịch gần nhà. Sự lên ngôi của du lịch nội địa cũng thúc đẩy nhu cầu hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên, nông thôn. Xu hướng du lịch sinh thái có thể sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới với các hình thức phong phú, mục đích giới hạn trong phạm vi gia đình, bạn bè thân thiết, hạn chế tiếp xúc với người lạ và xã hội bên ngoài.
Chuyên gia Cấn Văn Lực đưa ra giải pháp phục hồi ngành Du lịch trong ngắn hạn là khuyến khích phát triển du lịch nội địa ngay trong dịp Tết Nguyên đán và đầu năm 2022, đồng thời xây dựng lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn, có thỏa thuận mở cửa biên giới với các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp, nghiên cứu áp dụng các mô hình như “bong bóng du lịch”, “làn xanh du lịch”. Bên cạnh đó, Chính phủ cần nghiên cứu áp dụng chính sách an sinh xã hội theo hướng hỗ trợ tiền thuê nhà, đào tạo kỹ năng cho nhân viên ngành du lịch trong bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần xây dựng và công bố các kế hoạch dự phòng, các cam kết, chính sách hỗ trợ, sử dụng lao động, chính sách, điều kiện làm việc an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
Trong chiến lược dài hạn, các nhà khoa học cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng cập nhật, ban hành chiến lược phát triển ngành du lịch giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030, trong đó có các cấu phần về phát triển sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch, nhân lực, chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành quy hoạch ngành Du lịch giai đoạn 2022 - 2030.
Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili khẳng định, đại dịch đã chỉ ra một số xu hướng đang đi lên theo hướng du lịch trải nghiệm độc đáo và chân thực. Đây là cơ hội để Việt Nam khai thác nhu cầu du lịch nội địa đang tăng trưởng mạnh mẽ, và chứng minh thương hiệu điểm đến an toàn và đa dạng của mình. Cho rằng, khách du dịch đang đòi hỏi sự bền vững, theo ông Zurab Pololikashvili, các doanh nghiệp ở Việt Nam cần nghiêm túc thực hiện các hành động vì khí hậu để có thể tiếp cận với nhiều khách hàng mới trên toàn cầu trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần tập trung nghiên cứu, lựa chọn một số công việc có tính chất trọng tâm và nhất là định hướng để chuyển đổi. Bởi, đại dịch COVID-19 không chỉ tác động kinh tế mà còn tác động đến tâm lý, tình cảm, sở thích nguyện vọng, khách du lịch bây giờ thích đi theo nhóm nhỏ, gia đình hơn là theo tour lớn như trước đây
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần một tỉnh phải có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách sau đại dịch: nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam.
Phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số
Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ phân tích, phải nhìn bức tranh của ngành Du lịch trong một bối cảnh chung, vì đây là ngành kinh tế tổng hợp, phát triển dựa trên hệ thống dịch vụ công cộng và xã hội. Nếu xã hội chưa "bình thường mới" một cách thực chất, các ngành dịch vụ chưa hoạt động như thông thường.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, du lịch sẽ phục hồi dần dần, chứ không thể có một bước nhảy vọt trong thời gian ngắn. Theo dự báo, từ nay đến ngày 15/1/2022 sẽ là giai đoạn khởi động lại thị trường. Từ 15/1 đến 15/4 là giai đoạn thị trường dần hồi phục từng phần. Và sau đó, đến giai đoạn 30/4 và hè năm sau mới là giai đoạn bình thường mới trở lại. Để du lịch đạt quy mô như trước khi dịch xảy ra, ước tính phải đến hè năm 2023.
Theo Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World Trần Nguyện, chuyển đổi số chính là giải pháp quan trọng của ngành Du lịch trong thời điểm hiện tại. Trong tình cảnh ngặt nghèo của du lịch trong đại dịch đã buộc các cường quốc về du lịch, các doanh nghiệp phải đẩy nhanh việc thích ứng với chuyển đổi số để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng mới, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới áp dụng công nghệ; đồng thời giải các bài toán đau đầu về nhân lực bên cạnh việc tính toán chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đem đến cho du khách những trải nghiệm số hấp dẫn. Đại dịch COVID-19 đã buộc ngành Du lịch phải tạo ra những luật chơi mới, những xu thế mới và những khái niệm mới, trong đó mô hình: Du lịch một điểm đến - đa trải nghiệm sẽ lên ngôi.
“Bất kể COVID -19 dẫn chúng ta đến đâu, ngành Du lịch vẫn không thể đóng cửa mãi mà cần có cuộc cách mạng, cải tổ. Quá trình chuyển đổi số là một trong những cuộc cách mạng không thể không làm”, ông Trần Nguyện khẳng định.
Tuy nhiên, ông Trần Nguyện cũng như nhiều chuyên gia đều khẳng định, chuyển đổi số là một hành trình không hề dễ dàng, vì vậy, các doanh nghiệp du lịch cần có sự quyết tâm, đồng lòng, dốc sức triển khai; đồng thời tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ và hiện đại cùng đội ngũ nhân sự về công nghệ phục vụ cho các hoạt động quản trị, vận hành và kinh doanh…
Đại diện các công ty du lịch cho rằng, khi dữ liệu tổng quan được số hóa và phổ cập toàn quốc, sẽ giúp cho các địa phương, doanh nghiệp thuận tiện trong việc nghiên cứu xu hướng du lịch mới, đánh giá thị hiếu du khách từng thị trường, để xây dựng sản phẩm và cách thức tiếp cận, phục vụ phù hợp…
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, cần tập trung giải quyết vấn đề khó mà doanh nghiệp đang gặp phải là chính sách hỗ trợ để không bị đứt gãy nguồn lao động. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc vì lực lượng lao động du lịch có tính đặc thù và chuyên biệt, được đào tạo và cấp thẻ hành nghề. Do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh, một phần lao động của ngành này đã bắt đầu bỏ nghề và chuyển sang lao động khác.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ sẽ tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai đưa ra thông điệp mạnh mẽ, nhất quán trên tinh thần tạo điều kiện tối đa nhất để doanh nghiệp được sớm trở lại hoạt động du lịch, đóng góp tích cực vào kinh tế - xã hội của từng địa phương, qua đó góp phần cùng quốc gia mang lại giá trị kinh tế trong bối cảnh chúng ta đang khó khăn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, phục hồi du lịch trong đại dịch đòi hỏi chúng ta phải có một tư duy mới, đề cao tính an toàn trong mọi khâu triển khai, chú trọng vào các sản phẩm du lịch mới thu hút du khách trong điều kiện thích ứng linh hoạt.