Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng

Ngày 3/6, Bộ Nội vụ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng. Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng chủ trì Hội nghị tại các điểm cầu.

Hội nghị được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận những vấn đề về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng, phục vụ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, vấn đề quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng là vấn đề lớn, khó, phức tạp và còn bất cập trong cơ chế giao đất, sử dụng đất, quản lý, điều hành. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo sát sao vấn đề này. Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham gia sửa đổi Luật Đất đai, các Ban Chỉ đạo Trung ương cũng tổ chức nhiều cuộc họp liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai trong tôn giáo.

Bộ Nội vụ đang chuẩn bị sơ kết Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2018, trong đó sẽ đề xuất ban hành chủ trương, chính sách mới về quản lý đất đai trong các tôn giáo. Việc tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW là cơ hội tháo gỡ những khó khăn, để tham mưu với Đảng, Nhà nước nhằm sửa đổi cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng.

Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 11/2020, các tổ chức tôn giáo có khoảng 29.801 cơ sở tôn giáo, tăng khoảng 5.801 cơ sở so với năm 2008. Số cơ sở trên bao gồm cơ sở thờ tự, cơ sở đào tạo, cơ sở phụ trợ, cơ sở hoạt động xã hội của tôn giáo. Trong đó, có cả cơ sở đã được cấp và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chính sách, pháp luật về đất đai liên quan đến tôn giáo và thực tế sử dụng đất đai của các tôn giáo đã có nhiều bất cập. Chỉ thị số 1940 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ là một chỉ thị chuyên biệt về đất đai liên quan đến tôn giáo, nhưng mới chỉ cơ bản tháo gỡ được vấn đề đất đai tồn đọng giai đoạn trước để lại, chưa có hướng giải quyết đối với đất đai tôn giáo phát sinh, trong khi xu thế của tôn giáo là phát triển, nên nhu cầu đất cho mục đích tôn giáo là có thực.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều quy định cụ thể đối với đất tôn giáo, tín ngưỡng, nhưng vẫn chưa tìm được hướng giải quyết ổn thỏa và lâu dài. Trên thực tế việc áp dụng Luật Đất đai năm 2013 còn những điểm khó và vướng trong công tác quản lý như về hạn điền; về giao đất; về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa có quy định việc tôn giáo sử dụng đất vào các hoạt động an sinh xã hội…

Cùng với đó là những bất cập trong quản lý đất đai tôn giáo liên quan đến công tác lưu trữ và quản lý hồ sơ đất đai, sử dụng đất; việc giao đất cho các doanh nghiệp tư nhân để xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh liên quan đến tôn giáo. Việc giải quyết vấn đề đất đai, cơ sở liên quan đến tôn giáo còn thiếu chủ động. Công tác hướng dẫn, tranh thủ chức sắc, vận động quần chúng ở một số nơi chưa hiệu quả, chưa tạo được sự đồng thuận từ phía tôn giáo...

Về giải pháp, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật, bổ sung, sửa đổi các nội dung có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong các luật chuyên ngành, trong đó có Luật Đất đai, để thống nhất, đồng bộ với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý các hoạt động tôn giáo; đồng thời, phát huy nguồn lực của tôn giáo, trong đó có nguồn lực từ đất liên quan đến tôn giáo đóng góp cho quá trình xây dựng đất nước; phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng ở địa phương.

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, phản ánh đầy đủ, xúc tích, đánh giá đúng thực trạng hiện nay về hoạt động tôn giáo và việc sử dụng đất đai trong tôn giáo. Nhiều ý kiến đề nghị, báo cáo cần làm rõ hơn thực trạng quản lý, sử dụng đất đai trong tôn giáo, cả tính hợp pháp và bất hợp pháp; những vướng mắc trong vấn đề xây dựng thể chế, thực thi pháp luật; nghiên cứu, bổ sung kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà nước liên quan đến sử dụng đất đai trong tôn giáo…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng khẳng định, đất đai là sở hữu toàn dân, Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các cơ sở tôn giáo hợp pháp được hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ sở tôn giáo và số tín đồ đều tăng sau mỗi năm trong khi đó quỹ đất không tăng.

Dự báo, thời gian tới, Việt Nam sẽ đón nhiều tôn giáo, thậm chí là các đạo lạ, đó là xu hướng phát triển tự nhiên, có tôn giáo là có tín đồ. Do đó, theo Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng, về quy hoạch đất đai, cần có quỹ đất để xây dựng các cơ sở tôn giáo; xây dựng cơ chế bình đẳng trong vấn đề giao đất cho các tôn giáo; giải quyết tốt các vấn đề chồng chéo về thể chế liên quan đến đất đai tôn giáo.

Nhấn mạnh yêu cầu quản lý và khai thác hiệu quả đất đai là nguồn tài nguyên của đất nước, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện báo cáo và bổ sung hoàn thiện chuyên đề theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. Trên cơ sở báo cáo, cần đề cập cụ thể các vấn đề lớn về chính sách đất đai, có tính chiến lược để phục vụ tổng kết Nghị quyết.

Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục cập nhật, đánh giá đầy đủ nhu cầu sử dụng đất đai trong tôn giáo; lựa chọn một số địa phương để phối hợp trong việc tổ chức tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW liên quan đến đất đai trong tôn giáo, nhất là các địa phương có nhiều lúng túng, vướng mắc trong sử dụng đất đai. Đồng thời, cần tổ chức một số buổi tọa đàm để làm rõ hơn thực tiễn tại cơ sở, có thể mời đại diện các tổ chức tôn giáo tham gia tọa đàm; tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo tổng kết Luật Đất đai năm 2013, đề xuất bổ sung một số nội dung mới liên quan đến quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng.

Vân Tuấn (TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Không kỳ thị, phân biệt đối xử với hoạt động tôn giáo
Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Không kỳ thị, phân biệt đối xử với hoạt động tôn giáo

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính đến tối 1/6, chuỗi lây nhiễm tại điểm nhóm truyền giáo Phục hưng có địa chỉ tại số 205/2, Đường số 1 (Phường 3, quận Gò Vấp), nay là số 415/8/4 đường Nguyễn Văn Công (Phường 3, quận Gò Vấp) đã có 219 trường hợp mắc COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN