Từ chuỗi lây nhiễm trên, cơ quan chức năng đã truy vết được hơn 2.500 trường hợp là F1 và khoảng 61.000 người là F2, ở 20 trong tổng số 22 quận, huyện, thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh cũng như tại 11 địa phương trong cả nước. Điểm nhóm này có liên quan đến 2 chi hội, 6 điểm nhóm của 3 tổ chức Tin lành lớn khác của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác. Vì vậy, dự báo số trường hợp mắc COVID-19 sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Không phải là khởi tố tổ chức tôn giáo
Liên quan đến chuỗi lây nhiễm ở điểm nhóm truyền giáo Phục hưng, mới đây, Công an quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” để tiến hành điều tra vụ án theo quy định của pháp luật. Việc khởi tố hành vi vi phạm là cần thiết và hoàn toàn đúng pháp luật, vì một số cá nhân liên quan không thực hiện phòng ngừa dịch bệnh theo đúng quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền địa phương, như không đảm bảo giãn cách, không thực hiện Thông điệp 5K một cách đầy đủ, không hợp tác khai báo để truy vết, không tự giác trong việc đi xét nghiệm…
Tuy nhiên, sau khi cơ quan công an khởi tố vụ án, một số thế lực, đối tượng xấu lợi dụng vụ việc để tung tin chính quyền phân biệt đối xử, kỳ thị, gây khó khăn cho hoạt động tôn giáo. Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng nêu rõ, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, từ cán bộ, đảng viên, chức sắc tôn giáo hay công dân khi vi phạm đều bị xử lý. Thực tế, trong thời gian qua chúng ta đã xử lý kỷ luật, cách chức nhiều cán bộ vi phạm công tác phòng, chống dịch. Điều này thể hiện sự nghiêm minh, bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người.
Các địa điểm có ca nhiễm SARS-CoV-2 đều được lực lượng chức năng phong tỏa, dù đó là trụ sở cơ quan nhà nước, nhà dân hay tổ chức tôn giáo cũng đều phải thực hiện cách ly nghiêm theo quy định vì sức khỏe của cộng đồng.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng khẳng định: “Đây là khởi tố những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội theo quy định tại Điều 240 - Bộ luật Hình sự để điều tra xem mức độ vi phạm đến đâu, từ đó xử lý theo quy định của pháp luật. Không phải là khởi tố tổ chức tôn giáo, điểm nhóm tôn giáo, hoặc hoạt động có liên quan đến sinh hoạt tôn giáo, chức sắc, tín đồ tôn giáo. Hoàn toàn không có chuyện chính quyền kỳ thị, phân biệt đối xử, gây khó đối với hoạt động tôn giáo. Mục tiêu trước hết và cao nhất là đảm bảo sức khỏe cho người dân, cho cộng đồng, trong đó có những tín đồ tôn giáo”.
Cần khẳng định, đây là điểm nhóm sinh hoạt tập trung đăng ký hoạt động ở cấp phường theo quy định của pháp luật, chưa được công nhận là một tổ chức tôn giáo; người phụ trách chính ở đây được gọi là người đứng đầu điểm nhóm, không phải là mục sư và là điểm nhóm sinh hoạt theo kiểu tư gia, cho phép lấy nhà riêng làm nơi sinh hoạt, không phải là nhà thờ hoặc cơ sở thờ tự tôn giáo. Từ lúc được cấp phép đến nay, điểm nhóm hoạt động tuân thủ luật pháp, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Có thể do sự chủ quan, chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, thiếu nghiêm túc trong thực hiện các biện pháp chống dịch của người đứng đầu điểm nhóm và tín đồ nên đã để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Dịch lây lan do nhiều yếu tố
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, số điểm nhóm Tin lành sinh hoạt theo quy định hiện rất lớn, toàn quốc có khoảng 5.500 điểm nhóm, riêng TP Hồ Chí Minh có 145 điểm nhóm tương tự. Các điểm nhóm này chủ yếu hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, do cấp cơ sở cấp phép và quản lý; năng lực, trình độ, nhận thức của người đứng đầu điểm nhóm có hạn chế.
Bên cạnh đó, các điểm nhóm hoạt động độc lập, không chịu sự chỉ đạo của các Hội thánh Trung ương, các tổ chức tôn giáo, trong khi cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu mới tuyên truyền, gặp gỡ, vận động chức sắc tôn giáo là lãnh đạo tổ chức tôn giáo, những tổ chức ở trung ương, nên sự truyền đạt, hướng dẫn các chỉ đạo không xuống đến điểm nhóm và người đứng đầu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc dịch bệnh từ điểm nhóm tại quận Gò Vấp lây lan nghiêm trọng, lan ra nhiều tỉnh, thành với số lượng người liên quan rất lớn.
Chỉ riêng trong tháng 5, tại nhà của người đứng đầu điểm nhóm trên đã tổ chức 4 cuộc sinh hoạt tôn giáo tập trung, vào các ngày 2, 9, 16 và 23/5, chỉ trong diện tích 50m2, không thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K là điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh. Điểm nhóm có 55 tín hữu thì đã có 40 người mắc COVID-19.
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình với UBND TP Hồ Chí Minh vào sáng 1/6, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã đề nghị thành phố chỉ đạo quận, phường có thông báo tạm đình chỉ hoạt động tôn giáo đối với điểm nhóm này để phục vụ công tác điều tra và dập dịch. Tùy vào kết quả điều tra vụ án, mức độ vi phạm để đề xuất xử lý ở mức độ cao hơn, có thể rút giấy phép đăng ký hoạt động, hoặc xóa tên điểm nhóm.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cũng đề nghị chính quyền ở thành phố, nhất là các cấp cơ sở, tăng cường công tác rà soát các cơ sở thờ tự, gặp gỡ, tiếp xúc chức sắc, nâng cao năng lực quản lý nhà nước ở những nơi này. Thực hiện tinh thần của Chính phủ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, các lực lượng chức năng như Ban Tôn giáo thành phố và chính quyền cơ sở cần “đi từng địa bàn, gặp gỡ từng chức sắc, gõ từng cơ sở thờ tự” để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế, kêu gọi đóng góp các nguồn lực, nhất là đóng góp vào quỹ vaccine phòng COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Về lâu dài, theo Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó, rà soát lại hình thức sinh hoạt tôn giáo theo điểm nhóm để có điều chỉnh phù hợp, đảm bảo quyền sinh hoạt tín ngưỡng nhưng đồng thời phải đảm bảo quản lý nhà nước, không để những vụ việc phức tạp, bất cập xảy ra tương tự.
Các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của Bộ y tế, Hướng dẫn số 1988 ngày 7/5/2021 của Ban Tôn giáo Chính phủ và các thông báo của địa phương đã hướng dẫn rất cụ thể về hoạt động tôn giáo trong tình hình dịch COVID-19. Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo đều phải chấp hành nghiêm, hướng dẫn cho các tín đồ; điểm nhóm, tổ chức tôn giáo trực thuộc đều có chỉ dẫn cho các chức sắc, tín đồ của mình sinh hoạt bảo đảm quy định phòng, chống dịch. Nơi chưa có dịch thì thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế. Nơi có dịch thì tạm dừng sinh hoạt tôn giáo, tạm đóng cửa các cơ sở thờ tự, chuyển sang tổ chức trực tuyến, online và các hình thức phù hợp khác…
“Mặc dù có những khó khăn nhất định khi tổ chức sinh hoạt tôn giáo trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng điều này không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt tín ngưỡng chung, người dân vẫn được thể hiện niềm tin một cách đầy đủ. Trong giai đoạn dịch COVID-19, các tổ chức tôn giáo đã tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch, có những đóng góp hết sức tích cực về nhân lực, vật lực cho địa phương để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Chính phủ rất hoan nghênh sự tuân thủ và đóng góp của các tôn giáo”, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh.