Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Góp phần nâng cao vị thế Trường Đảng Trung ương

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Nhiệm vụ của Học viện đã được quy định tại Quyết định 145-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 8/8/2018: “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, trung cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý”.

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết, đội ngũ cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức của Trường Đảng cao cấp, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh của Đảng, Nhà nước cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Lễ kỷ niệm 65 năm truyền thống (1949 - 2014), ngày 24/9/2014. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu mới

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Bắc, đội ngũ cán bộ giảng viên, công chức, viên chức của Học viện không ngừng trưởng thành, phát triển về số lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Học viện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, giản dị; có tinh thần trách nhiệm cao; được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn cao, gắn bó, tâm huyết với chuyên môn nghề nghiệp, say mê với công tác nghiên cứu, giảng dạy. Nhiều cán bộ được đào tạo dài hạn, trung hạn ở nước ngoài, có trình độ ngoại ngữ tốt, sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và giao tiếp.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình bối cảnh hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Bắc nhận định, thời gian tới, Học viện cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp mẫu mực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có năng lực sư phạm, phong cách làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Cùng với đó, việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, nâng cao bản lĩnh, quan điểm, lập trường tư tưởng, phẩm chất chính trị của cán bộ giảng viên, công chức, viên chức Học viện là nhiệm vụ cần quan tâm hàng đầu hiện nay. Trước những vấn đề mới, phức tạp nảy sinh trong thực tiễn đất nước, khu vực và thế giới; các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đội ngũ cán bộ của Học viện phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh, quan điểm, lập trường chính trị; có hiểu biết sâu sắc, toàn diện về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, các cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức của Học viện còn cần có sự hiểu biết sâu rộng các trào lưu, khuynh hướng tư tưởng chính trị trên thế giới, các vấn đề trong quan hệ quốc tế; am hiểu sâu sắc tình hình thực tiễn của đất nước và thế giới; đi đầu trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống những quan điểm, luận điệu lệch lạc, sai trái, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đi đầu trong việc phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, phòng chống tiêu cực, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức Học viện cũng cần được trang bị kiến thức toàn diện, tri thức chuyên sâu, kỹ năng nghiệp vụ thành thạo, phương pháp làm việc khoa học, hiện đại. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, kiến thức thực tiễn, chuyên ngành; kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy hiện đại; kỹ năng lãnh đạo, quản lý, phương pháp xử lý tình huống; ngoại ngữ, công nghệ thông tin… cần được tiến hành thường xuyên, liên tục…

Nêu mục tiêu cụ thể, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Bắc cho biết, Học viện cần tập trung thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 đội ngũ giảng viên của Học viện có cơ cấu bốn độ tuổi, bảo đảm sự kế thừa liên tục; dưới 40 tuổi chiếm 15%; từ 40 - 45 tuổi chiếm 35 - 40%; từ 50 - 60 tuổi chiếm 35 - 40%; trên 60 tuổi chiếm 5 - 10%.

Giai đoạn đến năm 2030, giảng viên chiếm tỷ lệ tối thiểu 65% công chức, viên chức trong từng đơn vị trực thuộc Học viện. Tối thiểu 70% trở lên giảng viên được chuẩn hóa, có trình độ chuyên môn phù hợp chức danh, vị trí việc làm, thành thạo phương pháp nghiên cứu khoa học và phương pháp giảng dạy hiện đại; 50% chuyên ngành khoa học của Học viện có chuyên gia đầu ngành. Tối thiểu 50% cán bộ khoa học dưới 40 tuổi sử dụng trực tiếp ngoại ngữ (tiếng Anh) trong nghiên cứu và giảng dạy; đủ giảng viên thành thạo tiếng Lào để trực tiếp dịch, tham gia đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.

Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, nghiên cứu khoa học

Đánh giá về công tác quản lý khoa học ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2020 và tầm nhìn 2030, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết, trong những năm qua công tác quản lý khoa học tại Học viện đã có nhiều biến chuyển tích cực và có bước phát triển vượt bậc.

Kết quả của công tác quản lý khoa học được nhìn nhận ở số lượng hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức thành công, cũng như nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, các loại được thực hiện. Điều này được thể hiện ở nhiều báo cáo chắt lọc kết quả nghiên cứu, hội thảo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với chất lượng tốt, có đóng góp thiết thực cho quá trình hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được sử dụng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng bài giảng tại các lớp cao cấp lý luận chính trị, cao học, tiến sỹ và lớp bồi dưỡng cán bộ các cấp, trong đó có các lớp cán bộ nguồn ở Trung ương và địa phương.

Từ năm 2014 đến nay, Học viện đã chủ trì thực hiện 92 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia, gồm 20 đề tài khoa học thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia  (KX.02): “Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới”. Cùng với đó là 43 đề tài khoa học cấp quốc gia thuộc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) và các chương trình khoa học - công nghệ khác; bốn đề tài khoa học biên soạn lịch sử Đảng; ba đề tài thuộc Đề án nghiên cứu đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân do Thủ tướng Chính phủ giao; 22 đề tài khoa học nghiên cứu sưu tầm tài liệu và viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam do Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư giao...

Nhiệm vụ trọng tâm của những đề tài kể trên là tập trung vào nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về quan điểm, đường lối, chính sách xây dựng và phát triển đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam; về những vấn đề cấp thiết đang đặt ra trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về xây dựng Đảng, về đảng lãnh đạo, đảng cầm quyền; xây dựng và phát triển xã hội, văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong giai đoạn này cũng phát triển mạnh. Hiện nay, Học viện đã có quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học với hơn 200 đối tác quốc tế của 60 nước và vùng lãnh thổ. Học viện đã thiết lập quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học với nhiều đối tác mới là những trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng, tổ chức phi chính phủ thuộc nhiều nước trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế khác. Hình thức và nội dung hợp tác quốc tế cũng đa dạng và ngày càng phong phú hơn.

Nêu giải pháp tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu khoa học trong giai đoạn 2019-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý cho rằng công tác quản lý khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần đổi mới mạnh mẽ trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về phát triển khoa học-công nghệ. Đặc biệt, Học viện cần tiến hành nghiên cứu và triển khai tinh thần mới của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sau Đại hội vào năm 2021.

Hoạt động khoa học của Học viện cũng sẽ tích cực góp phần tham mưu hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp luận cứ khoa học phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn của các bộ, ban, ngành, địa phương; là phương thức hữu hiệu để đào tạo cán bộ khoa học trong Học viện.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý, trong giai đoạn 2019-2020 và tầm nhìn năm 2030, Học viện phải đẩy mạnh việc tăng số lượng, mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình nhiệm vụ nghiên cứu cũng như tăng mạnh về chất lượng nhằm phục vụ một cách có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Chính phủ giao cho Học viện. Đồng thời, Học viện cần chú trọng đề cao chất lượng, hiệu quả, nâng cao tính mục đích và ý nghĩa thực tiễn của các công trình nghiên cứu khoa học; tăng cường nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu tổng kết thực tiễn; kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu lý luận gắn với nghiên cứu thực tiễn để những đóng góp khoa học của Học viện thực sự ghi được dấu ấn vào các chủ trương, quyết sách chiến lược của Đảng, chính sách của Nhà nước.

70 năm qua, được sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, Học viện đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng và trưởng thành cùng sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và dân tộc. Truyền thống tốt đẹp đó sẽ được các thế hệ cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức, người lao động Học viện không ngừng gìn giữ và phát huy, xứng danh ngôi trường mang tên Bác.

Thu Phương (TTXVN)
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ

Sáng 5/9, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khai giảng năm học 2019-2020. Lễ khai giảng được tổ chức trực tuyến với 5 điểm cầu là 5 đơn vị trực thuộc Học viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN