Tọa đàm có sự tham dự của gần 100 đại biểu, bao gồm các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, chuyên gia làm công tác hợp tác quốc tế của Học viện; đại diện một số ban, bộ, ngành trung ương, các đại sứ, trưởng đại diện, cán bộ ngoại giao của 30 đại sứ quán và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Tọa đàm là dịp để tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Học viện với các đối tác quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện nói riêng cũng như quá trình hồi nhập và phát triển của Việt Nam nói chung.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Hiện nay, toàn hệ thống Học viện có quan hệ đối tác với trên 60 nước và gần 200 đối tác quốc tế. Công tác hợp tác quốc tế trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh đổi mới khung chương trình và nội dung đào tạo, kỹ năng và phương pháp quản lý đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, năng lực hội nhập và làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu của Học viện. Đồng thời, đây cũng là cách không ngừng lan tỏa quan điểm, chính sách của Đảng về đối ngoại, thành tựu đổi mới, phát triển của đất nước và giá trị văn hóa của dân tộc; qua đó nâng tầm vị thế của Học viện trên trường quốc tế”.
Phó Giám đốc Học viện Nguyễn Viết Thảo đánh giá: Tọa đàm là dịp để các đối tác của Học viện cũng như các đơn vị và đội ngũ cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế cùng trao đổi, chia sẻ về những kết quả đạt được, đồng thời phân tích và làm rõ những hạn chế, thách thức; từ đó đề xuất những phương hướng, giải pháp tăng cường hiệu quả, hiệu lực của hoạt động hợp tác quốc tế gắn với chiến lược phát triển mới của Học viện.
Tham luận tại tọa đàm, Đại sứ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane nêu rõ: Việt Nam và Lào có mối quan hệ hợp tác truyền thống đặc biệt trong nhiều năm qua. Nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước đem lại kết quả nổi bật, trong đó có lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Hiện nay, khoảng 14 nghìn học viên ở các cấp học của Lào đang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam. Riêng tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong 5 năm qua có khoảng gần 500 học viên và cán bộ cao cấp của Lào đã được đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện.
Bên cạnh đó, hàng năm hai bên cũng phối hợp mở các khóa đào tạo ngắn hạn cho cán bộ của Đảng và Chính phủ Lào. Sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện nhiều học viên Lào đã được trang bị những kiến thức lý luận chính trị, bài học áp dụng vào thực tiễn và trở thành những lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Lào. Đây là minh chứng cho thành công của hợp tác quốc tế lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng cán bộ giữa hai bên.
Tại tọa đàm, Đại sứ Thongsavanh Phomvihane bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục có những giải pháp hợp tác hiệu quả hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng trong lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng cán bộ giữa Lào và Việt Nam.
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam Vadim Bublikov cho biết: Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục khoa học là lĩnh vực truyền thống của Việt Nam và Nga. Đến nay đã có hơn 30 nghìn người Việt Nam được đào tạo tại Liên bang Nga. Đội ngũ này vẫn đang tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước của Việt Nam. Hiện nay nhiều văn bản hợp tác giữa hai nước cũng nêu rõ tính cấp thiết của việc tăng cường hơn nữa hợp tác giáo dục khoa học giữa hai nước.
Trong hợp tác quốc tế lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có chương trình hợp tác hiệu quả với Viện Hàn lâm Khoa học Nga từ năm 2018 đến năm 2020 với nhiều công trình nghiên cứu, dự án làm việc chung. Ông Vadim Bublikov nhấn mạnh rằng sự phối hợp giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Nga trong lĩnh vực đào tạo nhân lực là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược phục vụ lợi ích quốc gia của hai nước.
Tại tọa đàm các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, đưa ra những hạn chế, bất cập của công tác hợp tác quốc tế trong toàn Học viện hiện nay: Hợp tác quốc tế góp phần nâng tầm vị thế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Hợp tác quốc tế với việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và chất lượng đào tạo của Học viện; Hợp tác Việt - Lào trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý: Thành tựu và triển vọng...