Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai công tác kiểm tra, đôn đốc các huyện, thành phố, nắm bắt tình hình, đồng thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, khắc phục theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ).
Đối với các điểm mưa to, các địa phương, cơ quan chức năng triển khai các biện pháp tiêu thoát nước, chống ngập úng cho diện tích lúa, hoa màu; khẩn trương di chuyển các hộ dân tại những điểm sạt lở đất đá phát sinh; xử lý kịp thời các điểm sạt lở ta luy đảm bảo thông tuyến sớm nhất.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, tính đến hết ngày 19/7, lượng mưa trên địa bàn khá lớn như: tại huyện Cao Phong là 277,2mm; Kim Bôi 276,4mm; Lạc Thủy 192,4mm; Mai Châu 182,6mm; TP Hòa Bình 168,4mm...
Mưa lớn đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương của tỉnh. Thành phố Hòa Bình phải di dời 20 trong tổng số 26 hộ dân tại tổ 4,5 phường Chăm Mát, di dời 28 hộ dân tại xã Hòa Bình ra khỏi vùng nguy hiểm. Huyện Lương Sơn di dời 7 hộ dân có hiện tượng sạt lở đất đá lăn vào nhà.
Huyện Mai Châu tiến hành di dời khẩn cấp 9 hộ dân; huyện Đà Bắc có 5 nhà bị sạt lở, lũ cuốn đất đá vào nhà, 12,9 ha lúa bị thiệt hại. Huyện Cao Phong có nhiều tuyến đường bị sạt lở ta luy âm, dương với tổng chiều dài khoảng 40m gây ách tắc, chưa thể khắc phục.
Về giao thông, tỉnh lộ 432 có 9 điểm sạt lở ta luy dương với khối lượng đất đá khoảng 20.000 m3. Hiện một số tuyến đường tại Hòa Bình đang bị ách tắc như tỉnh lộ 433; 435B; 436, 439...
Nhằm khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng bão số 3 gây ra, UBND tỉnh Hòa Bình đã có công văn chỉ đạo các địa phương, trước mắt kiểm tra thực tế thiệt hại và huy động nhân lực tại chỗ giúp các hộ gia đình dọn đất đá vùi lấp để ổn định cuộc sống; khắc phục tạm thời các đoạn giao thông bị sạt lở, xói mòn.