Hiến pháp sửa đổi tiếp tục khẳng định, làm rõ và đầy đủ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 1992. Bên cạnh đó, Hiến pháp sửa đổi còn bổ sung một số quyền mới là thành tựu của 30 năm đổi mới đất nước; thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân.
Cam kết thực thi
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, một trong những điểm mới của Hiến pháp sửa đổi về quyền con người, quyền công dân là vị trí của chế định quyền con người. Theo ông Liên, vị trí thứ tự của chế định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp thể hiện nhận thức của Nhà nước về tầm quan trọng của vấn đề này cũng như tầm quan trọng của việc hiến định các quyền đó. “Cách thức và khuôn khổ các quyền hiến định trong Hiến pháp sửa đổi có nhiều tiến bộ.
Sáng 2/12/2013, tại trụ sở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ký chứng thực Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), được thông qua ngày 28/11/2013 tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII. Nhan Sáng - TTXVN |
|
Cụ thể, việc chế định quyền con người, quyền công dân được xếp ở Chương thứ hai, chỉ sau Chương thứ nhất về chế độ chính trị. Cách thức chế định này, xét về hình thức là phù hợp với cách thức chế định của đa số hiến pháp các nước trên thế giới”, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên phân tích. Nhiều ý kiến còn cho rằng, cách chế định này thể hiện bản chất của Hiến pháp là văn bản khế ước gốc giữa Nhà nước và người dân nhằm thiết lập cơ chế kiềm chế quyền lực Nhà nước thông qua việc chế định quyền con người, quyền công dân.
Về cơ bản, Hiến pháp sửa đổi sắp xếp các điều theo nhóm quyền để đảm bảo tính thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân, đảm bảo tính hệ thống và tính khả thi của các quyền trên thực tế. Theo đó, các điều của Chương II về quyền con người, quyền công dân được sắp xếp theo thứ tự như sau: Những quy định chung gồm các nguyên tắc, các bảo đảm thực hiện quyền, giới hạn quyền và hạn chế quyền; các quyền dân sự, chính trị; các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; các quyền và nghĩa vụ công dân; quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài. Những quyền liên quan với nhau nhưng khác nhau về đối tượng, trách nhiệm, cơ chế bảo đảm thì được quy định bằng điều khác nhau.
“Hiến pháp sửa đổi gồm: 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014. Hiến pháp sửa đổi được tuyệt đại đa số nhân dân đồng tình, đã thể hiện tinh thần dân chủ, đổi mới, ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”, Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
Xét về sự phù hợp với các điều ước quốc tế, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên phân tích, Hiến pháp sửa đổi lần này đã ghi nhận nguyên tắc: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. “Đồng thời, một số quyền trong Công ước quốc tế trước đây chưa được ghi nhận trong Hiến pháp 1992 thì nay đã được ghi nhận trong Hiến pháp sửa đổi, ví dụ như quyền sống, quyền được đảm bảo an sinh xã hội”, ông Liên nhấn mạnh.
Không chỉ dừng ở mức độ ghi nhận, Hiến pháp sửa đổi còn có quy định mang tính cam kết của Nhà nước trong việc đảm bảo việc các quyền con người, quyền công dân được thực thi. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đưa ví dụ: “Điều 3: Nhà nước đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; Điều 26: 1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng giới; Điều 34: Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội”.
Hạn chế quy định vừa là quyền vừa là nghĩa vụ
Nghiên cứu về những quy định của Hiến pháp sửa đổi về quyền con người, quyền công dân, TS. Ngô Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, cũng khẳng định: Hiến pháp mới quy định đầy đủ, đúng đắn hơn về quyền con người, quyền công dân. Nếu như Hiến pháp 1992 chỉ quy định “các quyền con người được tôn trọng”, thì trong Hiến pháp mới nêu rõ: “các quyền công dân, quyền con người được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Bên cạnh đó, Hiến pháp mới đã có sự phân định rõ ràng giữa quyền con người và quyền công dân. Trong Hiến pháp 1992, mặc dù ghi nhận quyền con người, nhưng các quyền con người lại được thể hiện thông qua các quyền công dân. Điều này gây khó khăn khi xác định rõ đâu là quyền con người để thể chế hóa quy định của Hiến pháp cũng như có biện pháp nhằm bảo đảm để người dân thực thi quyền của mình. “Do đó, để ghi nhận, bảo đảm việc thực hiện quyền con người, quyền công dân cho tương xứng với phạm vi của các quyền này, Hiến pháp mới đã có sự phân định rõ đâu là quyền con người, đâu là quyền công dân. Ở những quy định nêu ‘mọi người có quyền’ thì đó là quyền con người; ở những quy định nêu ‘công dân có quyền’ thì đó là quyền công dân”, TS. Ngô Trung Thành phân tích.
Ông Thành cho biết thêm, Hiến pháp mới xác định rõ nguyên tắc quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết. Ở phần này có hai điểm mới: Một là, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng; hai là, việc hạn chế phải theo quy định của luật, tức là phải được quy định trong các đạo luật cụ thể.
Liên quan đến quyền lao động, Hiến pháp sửa đổi quy định rõ, công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc (Hiến pháp năm 1992 quy định: Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân). Hiến pháp mới cũng xác định rõ giữa quyền và nghĩa vụ, hạn chế thấp nhất việc xác định vừa là quyền vừa là nghĩa vụ. Hiến pháp mới cũng đã bổ sung, quy định rõ các quyền con người, quyền công dân như: Quyền sống (Điều 19), quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác (Điều 20), quyền sở hữu tư nhân (Điều 32), quyền được bảo vệ sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế (Điều 38), quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42)...
Huyền Tím