Đó là chỉ đao của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngày 3/4, tại buổi làm việc với UBND huyện Ba Vì về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2018.
Ba Vì là huyện ngoại thành Hà Nội, có diện tích lớn với 30 đơn vị hành chính xã, thị trấn, trong đó có 7 xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, năm 2017, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt gần 24.000 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2016. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 9.000 tỷ đồng, giá trị sản xuất nhóm ngành dịch vụ - du lịch đạt gần 10.000 tỷ đồng, giá trị ngành công nghiệp - xây dựng đạt hơn 5.000 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN |
Năm 2017, công tác thu ngân sách trên địa bàn huyện Ba Vì đạt hơn 250 tỷ đồng và tổng chi ngân sách đạt gần 2.000 tỷ đồng. Ba tháng đầu năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt gần 53 tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017 và chi ngân sách đạt gần 253 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đời sống nhân dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn. Ba Vì là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất thành phố với gần 3.500 hộ, chiếm 4,8% và số hộ cận nghèo là hơn 5.000 hộ, chiếm 7,5%. Những khó khăn trong phát triển kinh tế chủ yếu do thiếu đất sản xuất và thiếu lao động, hiện trên địa bàn huyện Ba Vì có khoảng 1.900 hộ không có khả năng thoát nghèo.
Nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, UBND huyện Ba Vì đề nghị thành phố bố trí kinh phí cho các dự án hạ tầng đã được phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và hỗ trợ giới thiệu, lựa chọn nhà đầu tư cho một số khu du lịch trên địa bàn huyện; hỗ trợ thu hút đầu tư vào các dự án chế biến, tiêu thụ nông sản, khuyến khích người nông dân sản xuất hàng hóa.
Bên cạnh đó, UBND huyện Ba Vì cũng đề nghị thành phố tiếp tục giúp đỡ, phối hợp với huyện thực hiện Nghị quyết của Thành ủy và kế hoạch của UBND thành phố về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”.
Ngoài những khó khăn trong phát triển kinh tế, tình trạng vi phạm, khai thác cát trái phép trên sông Hồng cũng là một trong những vấn đề nổi cộm trên địa bàn huyện Ba Vì.
Theo ông Phương Văn Liểu, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng, địa bàn “nóng” về khai thác cát trái phép, xã Tản Hồng là xã giáp ranh giữa 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và nằm ở nơi ngã ba sông. Cát vàng từ sông Lô và cát đen sông Hồng có giá trị cao, trong khi 3 tình chưa phân rõ mốc giới trên sông nên tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng khai thác cát trái phép xảy ra quanh năm, nhất là trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 5 hoặc từ tháng 9 đến tháng 11, nhất là vào ban đêm hoặc ngày nghỉ, khi không có lực lượng canh giữ.
Cũng theo ông Liểu, xã đã phối hợp với lực lượng chức năng của huyện và thành phố để xử lý tình trạng trên. Năm 2017, lực lượng chức năng đã bắt được 14 vụ, xử lý 34 tàu, quý I năm 2018 bắt 3 vụ, xử lý 3 tàu. Tuy nhiên, thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép rất tinh vi, chúng bắt nối được với nhau và có nguồn tin báo trước khi đoàn kiểm tra đến, hoạt động khai thác sẽ tiếp tục diễn ra khi không có lực lượng thường trực và thái độ của những đối tượng này rất ngông cuồng, sẵn sàng thả trôi tàu khi bị kiểm tra. Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng đề nghị thành phố sớm xác định vùng ranh giới trên sông và bố trí lực lượng thường trực phối hợp với xã để ngăn chặn tình trạng vi phạm.
Ghi nhận nỗ lực của tập thể lãnh đạo và nhân dân huyện Ba Vì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, song Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng chỉ ra, trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ba Vì còn rất nhiều khó khăn.
Nhấn mạnh mục tiêu của toàn thành phố là không còn hộ nghèo trong năm 2018, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu huyện Ba Vì xây dựng kế hoạch chi tiết để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố sẽ hỗ trợ kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện Ba Vì cần tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt kế hoạch chăm lo cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đảm bảo bố trí nguồn lực đúng, đủ, có hiệu quả, trong đó đặc biệt lưu ý giải quyết nhu cầu việc làm cho đồng bào.
Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đưa các chuyên gia hướng dẫn cho các hộ trên địa bàn huyện phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo mô hình liên kết nhóm hộ, hỗ trợ bò giống và đào tạo kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ thuộc diện không có khả năng thoát nghèo.
Về lĩnh vực quản lý tài nguyên, khoáng sản, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị huyện Ba Vì phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để quản lý tài nguyên cát và rừng, quy trách nhiệm cho lãnh đạo các xã, thị trấn với những biện pháp chặt chẽ, cương quyết để chống thất thoát tài nguyên, khoáng sản.