Hà Nội hướng tới đưa huyện Mê Linh trở thành Thành phố trực thuộc

Tối 9/12, tại Khu du lịch di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh (Hà Nội), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Huân chương lao động hạng Ba cho huyện Mê Linh; đồng thời huyện cũng vinh dự đón nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới và công nhận điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng.  

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương lao động hạng Ba tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, Trong giai đoạn 2021-2025, huyện đặt mục tiêu xây dựng và hoàn thành các xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiến tới xây dựng và hoàn thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo hướng đô thị thông minh - sinh thái đáp ứng yêu cầu để phấn đấu đưa huyện Mê Linh trở thành Thành phố trực thuộc Thành phố theo Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ chính trị. 

Là huyện duy nhất của tỉnh Vĩnh Phúc sát nhập về Thủ đô từ năm 2008 khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008, bên cạnh những thuận lợi, đây cũng là một trong những khó khăn, thách thức khi hòa nhập vào sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.

Năm 2010, khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Mê Linh phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; trong đó, khó khăn nhất là hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng, kinh tế khu vực nông thôn.

Trong số đó, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn thấp 13,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao chiếm 8,64%.Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn chỉ đạt khoảng 300 tỷ đồng; trong đó, cơ bản là thu từ nguồn đấu giá đất (khoảng 50%).

Qua khảo sát 19 tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới của 16 xã cho thấy các xã chỉ đạt 1/19 tiêu chí (an ninh trật tự), các tiêu chí còn lại đều đạt thấp (2/19 tiêu chí đạt 70-90%, 5/19 tiêu chí đạt 50- 60%, 11/19 tiêu chí đạt dưới 50%). Đối với tiêu chí cấp huyện: Năm 2010, chưa triển khai tiêu chí cấp huyện, đánh giá tại thời điểm năm 2016, 9/9 tiêu chí cấp huyện đều chưa đạt.

Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngay sau khi Thành ủy Hà Nội các khóa XV, XVI ban hành Chương trình 02 - CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn thành phố, Huyện ủy -  HĐND - UBND huyện Mê Linh đã ban hành đầy đủ các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình, Đề án cụ thể và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ; chú trọng triển khai kịp thời công tác tuyên truyền, vận động, giúp cho cán bộ, người dân hiểu đúng và đầy đủ các chủ trương, cơ chế, chính sách về xây dựng nông thôn mới. 

Năm 2011 Thành phố Hà Nội chọn xã Liên Mạc là một trong những xã điểm để tiến hành xây dựng nông thôn mới, có được sự quan tâm của Thành phố, hướng dẫn của các sở, ban, ngành trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, qua đó giúp Huyện Mê Linh và các xã trên địa bàn huyện rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu để chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cho các xã và huyện trong những năm tiếp theo.

Đến cuối năm 2020, huyện Mê Linh có 16/16 xã đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm 2 xã năm 2013 (Liên Mạc, Tiền Phong), 03 xã năm 2014 (Vạn Yên, Thạch Đà, Đại Thịnh), 04 xã năm 2015 (Tiến Thắng, Thanh Lâm, Mê Linh, Tráng Việt), 3 xã năm 2016 (Kim Hoa, Văn Khê và Tiến Thịnh), 2 xã năm 2018 (Hoàng Kim và Chu Phan) và 2 xã năm 2020 (Tam Đồng và Tự Lập).

Thu nhập bình quân quân đầu người khu vực nông thôn của huyện năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người, năm 2021 đạt 58,6 triệu đồng/người; số hộ nghèo của các xã đến hết năm 2020 chỉ còn 1 hộ. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi giảm chỉ còn 13,7%, 100% các xã đều đạt chuẩn về y tế và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi... Các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại các trung tâm văn hóa diễn ra phong phú, đa dạng, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Các xã sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đã thực hiện đánh giá, rà soát duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tiến hành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng công nhận huyện Mê Linh đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy thị trấn Quang Minh, trong xây dựng nông thôn mới thị trấn đã phát động phong trào "Xây dựng tuyến đường hoa kiểu mẫu", phong trào thi đua "Ngõ, xóm, khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp", xây dựng "Cánh đồng sạch", ra quân tổng vệ sinh môi trường, giải tỏa lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn; đồng thời tiến hành trồng thêm cây xanh, chỉnh trang khuôn viên nghĩa trang liệt sỹ và  trụ sở thị trấn, tạo cảnh quan Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp.

Thực hiện Thông báo của Thường trực Huyện ủy về triển khai mô hình tuyến đường hoa kiểu mẫu; Kế hoạch của UBND Huyện về tổ chức hoạt động thông tin, trang trí tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ Lễ công bố và đón nhận huyện Mê Linh đạt chuẩn nông thôn mới; đón nhận Huân chương lao động hạng Ba; công nhận điểm du lịch di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng; Đảng ủy thị trấn chỉ đạo các đoàn thể phối hợp xây dựng "Tuyến đường hoa kiểu mẫu" từ đường Quang Minh tổ dân phố số 11 đến tổ dân phố số 4 và kéo dài đến chợ Quang Minh có chiều dài 900 m, với kinh phí gần 175 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa - ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân thị trấn xây dựng mô hình "Cánh đồng sạch" tại xứ đồng khu Đông đội 4, tổ dân phố số 9; triển khai nạo vét dòng rãnh, vệ sinh đồng ruộng, cắm biển mô hình cánh đồng sạch, xây dựng nội quy hoạt động, bố trí thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, vận động hội viên các chi hội tích cực tham gia xây dựng mô hình "Cánh đồng sạch".

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư thường trực thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cùng với huyện Đông Anh và Sóc Sơn, huyện Mê Linh được định hướng phát triển theo hướng phát triển đô thị và trở thành Thành phố trực thuộc Thủ đô trong tương lai.

Đây chính là tiền đề quan trọng để Huyện đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch. Điều này sẽ mở ra cho huyện Mê Linh những thời cơ, thuận lợi to lớn để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; song cũng đòi hỏi huyện Mê Linh cần quyết tâm hơn nữa, biến những tiềm năng, lợi thế thành hành động; khắc phục những khó khăn; với khát vọng phát triển, cố gắng, nỗ lực, phấn đấu để xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại. 

Để thực hiện được, huyện Mê Linh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị. Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Bên cạnh đó, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Huyện theo hướng phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ, công nghiệp và thương mại dịch vụ.

Mặt khác, coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái hiệu quả và bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ cao gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai xanh cho thành phố Hà Nội, nhất là việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong phát triển kinh tế của Huyện.

Hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp; kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đảm bảo yêu cầu, hiệu quả và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đồng bộ. 

Ngoài ra, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn, từng bước xây dựng: “Kinh tế xanh - nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh”.

Ngoài ra, huyện cần chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố và các sở, ngành liên quan để thực hiện các Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Đặc biệt, huyện cần quy hoạch, đầu tư và phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm (nhất là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng), xứng tầm với điều kiện và lợi thế của huyện, từng bước tạo nguồn thu và tăng thu nhập cho người dân...

Nam Giang (TTXVN)
Hà Nội đấu giá đất, tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng đô thị Mê Linh
Hà Nội đấu giá đất, tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng đô thị Mê Linh

Công tác đấu giá quyền sử dụng đất luôn được lãnh đạo huyện Mê Linh (Hà Nội) quan tâm chỉ đạo nhằm góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị và thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới; đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN