Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Bài 2: Đánh sập thần tượng không lực Hoa Kỳ

Những ngày cuối năm 2022. Phố nhỏ, ngõ nhỏ Hà Nội đón những đợt gió lạnh mùa Đông. Có một khối kim loại khổng lồ nằm im lìm giữa hồ Hữu Tiệp, Ba Đình. Đây là mảnh của một máy bay ném bom chiến lược B-52 có nhiệm vụ “đưa miền Bắc và Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá đá”. Nhưng trái ngược với sự ngạo mạn của Không lực Mỹ, “siêu pháo đài bay” đã bùng cháy, vỡ tan tành trên bầu trời Hà Nội. Và khối kim loại lạnh lẽo nằm đó đã 50 năm nay...

Quyết định táo bạo

Chú thích ảnh
Xác máy bay B-52 bị bắn rơi vào 23h ngày 27/12/1972 trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Ảnh: Minh Trường/TTXVN

Cách hồ Hữu Tiệp hơn 4 km là ngôi nhà nằm sâu trong phố Xã Đàn 2, quận Đống Đa, Hà Nội của Đại tá Trần Hữu Hội, nguyên cán bộ nghiên cứu Phòng Khoa học quân sự, Bộ Tư lệnh Thủ đô. Nhắc đến quyết định phóng tên lửa bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 hồi nửa thế kỷ trước, dòng ký ức liền ùa về trong tâm trí ông Trần Hữu Hội. Khi đó, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 86, Trung đoàn 274, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân, trực tiếp tác chiến bảo vệ vùng trời phía Tây Nam Hà Nội.

Chậm rãi nói về cuộc đọ sức quyết liệt với biểu tượng sức mạnh huỷ diệt của đế quốc Mỹ, ông Trần Hữu Hội cho hay, trước thời điểm 12 ngày đêm lịch sử, Tiểu đoàn 86 đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị thì được lệnh trở về Hà Nội. Bởi với chiến dịch này thì lực lượng chủ yếu đánh B-52 là tên lửa và không quân, trong đó tên lửa là chủ yếu nhất. Quân chủng cũng đã dày công nghiên cứu, rút kinh nghiệm và bàn cách đánh loại máy bay ném bom tối tân này. Tài liệu “Cẩm nang đỏ” phổ biến rộng rãi đến tất cả các kíp chiến đấu.

Các đơn vị tên lửa đã được luyện tập các bài bắn B-52 như phương pháp bắn “ba điểm”, đánh “bồi”, đánh “nhồi” để sẵn sàng chiến đấu. Và đội hình tên lửa thay vì phân tán như trước đã được bố trí lại theo hướng “hỏa khí tập trung, hỏa lực tập trung”. Đây là quyết định rất sáng tạo, độc đáo và táo bạo nhằm tăng mật độ hỏa lực, nâng cao hiệu suất diệt B-52.

Cùng lúc này, ở Thủ đô, việc chuẩn bị cho chiến dịch rất sôi sục, mọi việc đâu đã vào đấy. Khí thế chiến đấu đã được quán triệt tới tất cả mọi cấp, mọi ngành, cả bộ đội, dân quân và các lực lượng hậu phương. Mọi thứ đều được tập trung ưu tiên cho bộ đội chiến đấu- ông Trần Hữu Hội hồi tưởng.

Với thế trận giăng sẵn như vậy, cuộc chiến đấu với Không lực Mỹ vô cùng ác liệt. Suốt 12 ngày đêm, “siêu pháo đài bay” và các tốp máy bay chiến thuật của địch quần thảo rất dữ trên bầu trời Thủ đô. Ban ngày là các loại máy bay cường kích của Mỹ bay vào ném bom, bắn phá. Ban đêm là B-52 rải thảm bom. Tiếng bom của địch dội xuống như long trời lở đất. Đạn tên lửa của ta phóng lên rồi pháo phòng không nổ rền vang. Cả vùng trời Thủ đô sáng rực, mặt đất như rung chuyển, chao đảo.

Hà Nội - Toạ độ lửa

Chú thích ảnh
Trận địa pháo cao xạ tự vệ Xí nghiệp xe ca khu phố Ba Đình (Hà Nội) bắn máy bay Mỹ trong đêm tháng 12/1972. Ảnh: Minh Lộc/TTXVN

Hồi tưởng quyết định phóng tên lửa bắn rơi B-52, đại tá Trần Hữu Hội nói, vào đêm 26/12/1972, cuộc tập kích vào Hà Nội lớn gần gấp ba lần các đêm khác, Không lực Hoa Kỳ sử dụng tối đa các phương tiện chiến tranh điện tử hiện đại nhất.
 
Thời điểm đó, Tiểu đoàn 86 chốt giữ trận địa tại Thanh Sam, Hà Đông. Phát hiện dải nhiễu và xác định mục tiêu đang bay trong dải nhiễu đúng là B-52, các trắc thủ liền báo phương vị, cự ly. Tiểu đoàn trưởng Trần Hữu Hội lập tức hạ lệnh mở máy phát sóng bắt mục tiêu rồi quyết định phóng hai quả SAM2. Sau tiếng hô “Phóng!”, sỹ quan điều khiển nhấn nút. Hai tiếng nổ liên tiếp ầm vang. Thành ca bin xe chỉ huy rung lên. SAM2 xé không trung hướng thẳng tới mục tiêu. Gặp tên lửa, “siêu pháo đài bay” chưa kịp cắt bom đã nổ tung, sáng rực một vùng trời Hà Nội.
 
“Xác chiếc máy bay này rơi xuống xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn. Trưa hôm sau, trận địa nơi Tiểu đoàn 86 chốt giữ bị bom bi cày xới, ba đồng đội đã hy sinh nhưng Tiểu đoàn vẫn quyết tâm chiến đấu”, đại tá Trần Hữu Hội bùi ngùi nhớ lại.
 
Về bí quyết hạ gục “con át chủ bài” của Không lực Mỹ, ông Trần Hữu Hội tự hào kể: Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam nhận được sự giúp đỡ tình nghĩa từ Liên Xô. Bạn cung cấp cho ta vũ khí, trang bị và hỗ trợ nhân lực, kỹ thuật quân sự. Trước chiến dịch phòng không cuối năm 1972, bạn đã hướng dẫn ta làm chủ khí tài tên lửa, kỹ thuật cũng như cùng bàn bạc, nghiên cứu biện pháp đối phó với “siêu pháo đài bay”. Thế nhưng họ vẫn đánh giá cao sức mạnh của B-52 và rất ngỡ ngàng khi ta bắn rơi "con ngáo ộp" này.

Ngay sau chiến công của Tiểu đoàn 86, các chuyên gia Liên Xô đến trận địa trực tiếp nói với ông Hội, họ biết những gì đã hướng dẫn bộ đội tên lửa của Việt Nam. Nhưng hãy cho họ biết, bằng phương pháp nào mà ta đã bắn rơi máy bay này!

“Ông Khiupenen Anatoli Jvanovich, Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô tại Việt Nam đã thán phục rằng, khí tài tên lửa của Liên Xô hiện đại nhưng phải nhờ trí óc, bàn tay của các chiến sỹ tên lửa Việt Nam mới phát huy hết tác dụng”, người Tiểu đoàn trưởng năm xưa xúc động nói!

"Rồng lửa 257" bảo vệ bầu trời Tổ quốc

Chú thích ảnh
Xác máy bay ném bom B-52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn rơi đêm 26/12/1972. Ảnh: TTXVN

Trong dòng ký ức liền mạch của đại tá Trần Hữu Hội, cách đây ít năm, Thượng tướng Khiupenen Anatoli Jvanovich có trở lại Việt Nam. Trong cuộc hội ngộ nhiều cảm xúc, vị chuyên gia Liên Xô năm xưa xúc động nói, cuối năm 1972, Hà Nội chỗ nào cũng thấy đổ nát, bầu trời thì rực lửa. Lần trở lại này, ông ngỡ ngàng trước sự khang trang, tươi đẹp của Thủ đô.

“Ông Khiupenen Anatoli Jvanovich nói rằng, ông coi đó là một chiến thắng nữa- chiến thắng của Việt Nam trên mặt trận đổi mới, hội nhập”, đại tá Trần Hữu Hội nói.

Cảm xúc của vị chuyên gia Liên Xô trước sự đổi thay đến ngỡ ngàng của Hà Nội dường như cũng phản ánh thực tế ở mảnh đất chiến địa năm xưa. “Máu và hoa” trên bầu trời Hà Nội hồi 50 năm trước là từ khát vọng Hòa bình, ý chí, trí tuệ, sự thông minh sáng tạo, truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam. Và nay, sự phát triển, đổi thay của Hà Nội- Việt Nam là tổng hoà của những sức mạnh đó gắn với khát vọng, hoài bão về một quốc gia - dân tộc phồn vinh, thịnh vượng.

Có thể thấy điều đó từ trận địa Tên lửa Chèm những ngày quyết đấu với “giặc trời”, nay là điểm đóng quân của Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361. Tại địa danh đã được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia, thấy đâu đây những ký ức hào hùng hồi cuối năm 1972. Ngay cổng doanh trại Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, khuôn viên của trận địa năm xưa còn nguyên vẹn hàng văn bia lịch sử và điểm nhấn là hình ảnh quả tên lửa vút bay vào mây xanh, mang theo ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân miền Bắc. Những toà cao ốc đã thay cho các bãi đất hoang quanh trận địa trước đây. Và trên thao trường, những người lính của đơn vị “Rồng lửa 257” đang hàng ngày miệt mài tập luyện, nắm bắt khoa học công nghệ tốt, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc bầu trời Thủ đô Hà Nội.

Như chia sẻ của Thượng tá Lê Quang Thuấn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tên lửa 257, trong thời bình, phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, tập thể cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn đang không ngừng nâng cao trình độ huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng Trung đoàn vững mạnh, quyết thắng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.

Bài 3: Màu của Hòa bình và Hy vọng

Hạnh Quỳnh -  Việt Đức (TTXVN)
Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Bài 1: Cuộc đối đầu lịch sử
Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Bài 1: Cuộc đối đầu lịch sử

Cuối năm 1972, cuộc đọ sức quyết liệt với siêu cường quốc từ bên kia đại dương đã tạc vào lịch sử dân tộc một trong những trang vàng chói lọi nhất. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã buộc đế quốc Mỹ phải vào đàm phán, ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Hiệp định Paris được ký kết đã tạo ra cục diện mới làm thay đổi cơ bản tương quan lực lượng để quân và dân Việt Nam có điều kiện giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước. Qua chiến thắng này, từ Hà Nội đã gửi đến toàn nhân loại thông điệp chất chứa nguyện vọng thiết tha - Hòa Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN