Cách đây 50 năm, vào tháng 12/1972, sau khi đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã mở cuộc tập kích chiến lược bằng đường không vào miền Bắc, nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản có lợi cho Mỹ; đồng thời âm mưu đe dọa, khủng bố phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Trong cuộc tập kích này, đế quốc Mỹ đã ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới.
Với tầm nhìn chiến lược, sáng suốt, cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua, nó mới chịu thua… phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm - càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị… ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của địch và dự báo chính xác tình hình, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho đánh địch với quyết tâm giành thắng lợi cao nhất.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu, các đơn vị của Quân chủng PK-KQ làm lực lượng nòng cốt cùng với quân dân miền Bắc, quân dân Thủ đô Hà Nội chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó, có 34 chiếc B-52, riêng Quân chủng PK-KQ bắn rơi 32 máy bay B52, góp phần đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chiến dịch tập kích đường không có quy mô lớn nhất của Mỹ ra miền Bắc đã thất bại hoàn toàn. Chính quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 17 trở ra, quay trở lại bàn đàm phán và ngày 27/1/1973 buộc Mỹ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng: Trong giai đoạn hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội bằng “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa quân đội” với những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, khó nhận diện.
Nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc có sự bổ sung, phát triển mới; Đảng, Nhà nước chủ trương đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phát biểu tại Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng PK-KQ mới đây, Đại tướng Phan Văn Giang một lần nữa nhấn mạnh: Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2022, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn quân nói chung, Đảng ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Không quân 371 cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm và ý chí quật cường của dân tộc, của Quân đội; cổ vũ, khích lệ cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, tiên phong về nhận thức và hành động; trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ thị quy định của Trung ương, Quân ủy Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tham gia thực hiện tốt công tác dân vận, “Đền ơn đáp nghĩa”, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn,... góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, ngày càng làm sáng đẹp thêm phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Quyết liệt, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2022 theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương. Chủ động nắm chắc, dự báo, đánh giá đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có đối sách xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động bất ngờ; toàn quân duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tổ chức huấn luyện, giáo dục, đào tạo chặt chẽ, đúng phương châm, quan điểm, các mối kết hợp; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, huấn luyện cường độ cao trong mọi điều kiện, sát với nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn tác chiến.
Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị và chủ đề “Năm triển khai kế hoạch điều chỉnh lực lượng”; quyết liệt điều chỉnh tổ chức lực lượng tinh, gọn, mạnh theo kế hoạch đề ra. Đẩy mạnh xây dựng chính quy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”; chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; không để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật.
Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm đầy đủ, kịp thời vật chất hậu cần, tài chính, vũ khí, trang bị, kỹ thuật, phương tiện cho các nhiệm vụ. Tích cực lao động, tăng gia sản xuất, khai thác, tạo nguồn vật chất hậu cần tại chỗ phục vụ tốt đời sống bộ đội và nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; chủ động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, nâng cao sức khỏe bộ đội. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong hoạt động quân sự, quốc phòng.
Tiếp tục đổi mới hoạt động thi đua theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, những nhiệm vụ mới, khó khăn, khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Trong quá trình tổ chức thi đua, các đơn vị cần chú trọng làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng các mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả, gương điển hình tiên tiến; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong đợt thi đua cao điểm và trên các lĩnh vực công tác, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn quân, toàn quốc.
Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của thế trận phòng không nhân dân; là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc Việt Nam; là ý chí, quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, đã tạo ra bước chuyển chiến lược căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; làm tăng thêm sức mạnh, củng cố niềm tin cho các lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một dấu son chói lọi trong lịch sự chống ngoại xâm của dân tộc ta; đã để lại cho quân và dân ta nhiều bài học kinh nghiệm quý trong kháng chiến trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.