Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là bản anh hùng ca vĩ đại
Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là bản anh hùng ca vĩ đại

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được đánh giá là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, là sự tiếp nối truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Sự tàn khốc của cuộc chiến năm ấy đã qua đi nhưng tầm vóc và ý nghĩa chiến thắng vang dội của 12 ngày đêm rực lửa vẫn còn vẹn nguyên, âm vang mãi.

Thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ và sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã phát huy cao độ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; tập hợp được lực lượng to lớn để thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị và tổ chức chiến đấu; giải quyết khối lượng công việc khổng lồ trong bối cảnh đòi hỏi gấp rút về thời gian và rất nhiều những khó khăn, hiểm nguy, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phòng tránh, đánh trả, đoàn kết đồng lòng bảo vệ Thủ đô.

Tự vệ nhà máy bánh kẹo Hà Nội, bình tĩnh dũng cảm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội cao xạ bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.

Ngày 16/4/1972, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp ra thông báo cho Quân và dân Thủ đô sẵn sàng chiến đấu và làm tốt công tác phòng không nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của, nhất là ở những nơi tập trung đông dân cư, các khu kho tàng, cơ sở công nghiệp, bảo đảm giao thông và khắc phục hậu quả khi địch đánh phá.

Ngày 27/4/1972, Ban Thường vụ Thành ủy ra Nghị quyết về công tác phòng không, sơ tán chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, yêu cầu Ủy ban hành chính, Hội đồng phòng không các cấp vận động, đôn đốc, đưa khoảng 50 vạn người sơ tán ra khỏi nội thành. Tiếp đó, Ban Thường vụ Thành ủy họp, quyết định chủ trương thực hiện sơ tán cấp tốc ngay người già, trẻ em, những người dân không trực tiếp chiến đấu và những cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành.

Đồng thời, phải triển khai kế hoạch phòng tránh, đào hầm trú ẩn, bảo đảm sản xuất, cung ứng đủ điện nước và các nhu cầu thiết yếu khi bị địch đánh phá. Hội đồng phòng không nhân dân Thành phố đã chỉ đạo các khu phố, cơ quan, xí nghiệp, trường học kiên quyết sơ tán nhân dân, bằng mọi hình thức, mọi phương tiện, từ cơ giới đến thô sơ… Thành phố đã trưng dụng 1.500 ô tô các loại để đưa dân đi sơ tán khẩn cấp. Đây là lần sơ tán lớn nhất, triệt để nhất kể từ khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân.

Năm 1972, nhân dân Thủ đô tích cực làm công tác phòng không nhân dân, các phố Hà Nội xây dựng hầm trú ẩn.

Tính đến giữa năm 1972, các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng... đón hơn 50 vạn người, cán bộ nhân viên của gần 1.200 cơ quan, trường học, nhà máy của Trung ương và Thành phố. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương có các cơ quan, đơn vị đã hết lòng giúp đỡ nhân dân Hà Nội sơ tán về, vừa thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm vừa là tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ khó khăn. Nhờ làm tốt công tác phòng không sơ tán nhân dân ra ngoại thành và các tỉnh lân cận đã hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bom Mỹ gây ra, tạo điều kiện cho các quân binh chủng của bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ Hà Nội bám trụ, chiến đấu kiên cường trên địa bàn Hà Nội.

Là hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, Hà Nội cũng là nơi tập trung đầu mối giao thông quan trọng tiếp nhận hàng hóa từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các địa phương của miền Bắc vào Nam, toả đi các chiến trường. Vì vậy đảm bảo giao thông thông suốt là đảm bảo cho thành phố duy trì các hoạt động, chiến đấu, chi viện cho chiến trường.  

Ngành Giao thông Vận tải Thủ đô đã phối hợp, tổ chức phân tán hàng hóa ở các kho lớn: Đông Anh, Yên Viên, Giáp Bát về các kho nhỏ. Do làm tốt công tác chuẩn bị nên khi cầu Long Biên bị bom Mỹ đánh sập hai nhịp chính tháng 5/1972, cầu Đuống bị trúng bom hư hỏng nặng tháng 7/1972, các bến phà Chương Dương, Khuyến Lương, Đông Trù luôn bảo đảm cho xe vận tải qua sông trong những giờ an toàn. Cảng Hà Nội bị đánh phá dữ dội nhiều lần nhưng công nhân vẫn duy trì bốc xếp hàng hóa, chuyên chở gần 2.000 tấn/ngày; ga Hà Nội bị địch thả bom đổ sập nhưng hàng hóa vẫn xuôi về phương nam đều đặn.

Chiến sỹ Đơn vị tên lửa X, dũng cảm, lập nhiều chiến công, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.

Các bến phà qua sông Hồng, ở khu vực Chương Dương, Khuyến Lương, Chèm và một số cầu phao, cầu qua sông Đuống được gấp rút củng cố. Hoàn thành thi công, đưa vào vận hành hai tuyến đường ống chiến lược: Lạng Sơn - Hà Nội và Bãi Cháy, Quảng Ninh - Hà Nội, nối với tuyến đường ống nam Hà Nội vào tới Cam Lộ và sang nam đường 9 (3.278km) đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, vận chuyển xăng dầu nước bạn viện trợ, chi viện cho chiến trường, đảm bảo cho chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

Trên mặt trận giữ gìn an ninh trật tự thành phố, lực lượng Công an tổ chức tuần tra canh gác, nắm chắc tình hình từng khu, tổ dân phố, từng số nhà trước khi địch đánh phá để chủ động khắc phục hậu quả. Toàn Thành phố đã nhanh chóng xây dựng một hệ thống hơn 45.000 km hào giao thông, gần 5.600 hầm tập thể, khoảng 63 vạn hố cá nhân đảm bảo đủ chỗ trú ẩn cho hơn 90 vạn người. Lực lượng cứu sập, cứu hỏa của Thành phố với hàng trăm máy ủi, cần cẩu, xe chữa cháy đã có mặt kịp thời, hoạt động tích cực, hạn chế những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Hệ thống thông tin liên lạc bằng vô tuyến, hữu tuyến có vai trò đặc biệt quan trọng cho nhân dân phòng tránh máy bay địch. Một mạng lưới đài quan sát, còi báo động rộng khắp từ xa vào gần được hình thành, luôn sẵn sàng với 414 đài quan sát ở các khu, các huyện, 36 đài quan sát của thành phố...

Tự vệ Thủ đô quyết liệt chiến đấu (1972).

Về mặt chiến dịch, ta đã chuẩn bị chu đáo, đêm 18/12/1972 khi chiến dịch tập kích đường không của Mỹ bắt đầu vào Hà Nội, các tỉnh Hà Tây (cũ), thành phố Thái Nguyên, Hải Phòng… đã hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ. Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phòng không quốc gia và nhân dân các tỉnh lân cận, xây dựng “lưới lửa” phòng không nhân dân của 3 thứ quân với mọi thứ vũ khí từ thông thường đến hiện đại, phát động toàn dân đánh máy bay địch, bắt giặc lái và phục vụ chiến đấu.

Trong đó, Hà Nội đã huy động khoảng 54.000 chiến sĩ với trên 500 súng trung liên, đại liên, súng máy được bố trí ở 295 trận địa cả nội, ngoại thành. Mỗi khu phố nội thành có một đại đội pháo cao xạ, được huấn luyện kỹ chiến thuật đón đánh máy bay địch.

Video: Cận cảnh tên lửa hiện đại bảo vệ Thủ đô

Với vị trí ở hướng Tây, Tây Nam của Hà Nội, quân và dân Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) đã luôn sát cánh chia lửa, hiệp đồng chặt chẽ với quân dân Thủ đô tạo thành thế trận liên hoàn. Một “vòng cung lửa” đã giăng khép kín cả về tầm cao, chiều rộng, làm chủ thế trận phòng không đánh địch trên bầu trời Hà Nội góp phần làm thất bại sức mạnh của không lực Hoa Kỳ. Trận địa phòng không tầm thấp của dân quân tự vệ được tổ chức, triển khai phục kích, đón lõng trên các hướng máy bay địch đánh vào Hà Nội.

Cùng với đó, ở khu vực Hà Đông, Sơn Tây, trận địa pháo 12,7mm của tự vệ được triển khai, bố trí trên nóc các tòa nhà cao tầng. Các huyện ngoại thành Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thường Tín, Phú Xuyên… trận địa pháo 37mm của dân quân tự vệ được bố trí chốt giữ trên mặt các tuyến đê trọng yếu. Trong quá trình chiến đấu, các trận địa pháo phòng không đã nghiên cứu, nắm chắc quy luật hoạt động của máy bay địch, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, chủ động đánh địch từ xa đến gần.

Các trận địa phòng không tầm thấp của dân quân tự vệ liên tục chiến đấu buộc máy bay Mỹ phải nâng độ cao, tạo điều kiện cho các đơn vị phòng không khác tiêu diệt. Với thế trận khép kín cả về tầm thấp, tầng cao và phạm vi rộng lớn đã đánh bại những phương tiện chiến tranh hiện đại của kẻ thù càng làm sáng ngời hơn tầm cao trí tuệ và bản lĩnh quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Thủ đô Hà Nội.

Cách đây 50 năm, vào tháng 12/1972, sau khi đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã mở cuộc tập kích chiến lược bằng đường không vào miền Bắc, nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản có lợi cho Mỹ. Đồng thời âm mưu đe dọa, khủng bố phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Trong cuộc tập kích này, đế quốc Mỹ đã ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới.  

Với tầm nhìn chiến lược, sáng suốt, cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua, nó mới chịu thua… phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm - càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị… ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Xác máy bay B-52 của giặc Mỹ bị quân dân Thủ đô bắn rơi hồi 23h ngày 27/12/1972 tại phố Hoàng Hoa Thám.

Nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của địch và dự báo chính xác tình hình, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho đánh địch với quyết tâm giành thắng lợi cao nhất.

Trong 12 ngày đêm chiến đấu, các đơn vị của Quân chủng PK-KQ làm lực lượng nòng cốt cùng với quân dân miền Bắc, quân dân Thủ đô Hà Nội chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó, có 34 chiếc B-52, riêng Quân chủng PK-KQ bắn rơi 32 máy bay B-52, góp phần đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.  

Đêm 27/12/1972, phi công Phạm Tuân lái máy bay tiêm kích Mig-21 mang số hiệu 5121 bắn rơi B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội, trở thành phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi B-52. Đây cũng là chiếc B52 đầu tiên bị bộ đội không quân tiêu diệt. 

Anh hùng Lực lượng vũ trang, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại: Từ năm 1967, bộ đội Không quân đã tập để đánh B-52. Mỗi B-52 mang trên mình 15 máy gây nhiễu tích cực và hai máy gây nhiễu tiêu cực, đạn nhiễu bay kín bầu trời. Chúng đánh vào ban đêm nên những trận đầu tiên đánh B-52 vô cùng khó khăn. Từ ngày 18 - 24/12, lực lượng Không quân không bắn được chiếc nào.

“Kéo lên nhìn thấy B-52, F4 lại xông vào đuổi bắn mình, địch hàng chục, hàng trăm chiếc, trong khi mình chỉ 1-2 chiếc nên không thể vượt qua được hàng rào của địch, dẫn đường ra đa cũng không thể dẫn đến để tiếp cận B-52 được. Máy bay chúng tôi khi tiếp cận B-52 đều phải tăng lực, khi bật tăng lực là chúng ta bộc lộ mục tiêu, là địch xông vào bắn mình. Tôi đã không biết bao lần phải tránh tên lửa, máy bay của địch bám đuổi”, Trung tướng Phạm Tuân kể.

Trung tướng Phạm Tuân cho biết, trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh quyết định thay đổi chiến thuật: Điều một đại đội ra-đa vào thành lập sở chỉ huy mới ở Thanh Hóa, điều sỹ quan dẫn đường từ Hà Nội lên Mộc Châu cùng Sở Chỉ huy ở Mộc Châu thành lập Sở Chỉ huy thứ hai ở đây, và chúng ta không đánh đằng trước mà dạt sang hai cạnh sườn để giảm gây nhiễu. Phi công không cất cánh ở sân bay Gia Lâm mà đưa máy bay lên Yên Bái. Không quân đánh không dùng ra-đa mà “phát hiện bằng mắt, và bằng đèn để đánh, rất nguy hiểm. Tốc độ 1.500km/giờ, đèn thì con con, làm sao phi công biết được cự ly như thế nào, không cẩn thận là đâm vào nó. Đồng thời, phát hiện được nó không phải là dễ”.

Từ ngày 18 đến 29/12/1972, quân dân miền Bắc Việt Nam anh dũng chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, lập nên một kỳ tích vang dội: chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chiến thắng này mang nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự.

Đêm 18/12/1972 khi chiến dịch tập kích đường không của Mỹ với hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B-52, được mệnh danh là “siêu pháo đài bay” của không lực Hoa Kỳ cùng hàng nghìn máy bay chiến thuật bảo vệ và nhiều tàu sân bay, tàu chiến tối tân, hiện đại phối phợp tác chiến đã được Mỹ sử dụng bắt đầu đánh phá vào Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ. Ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18/12/1972, bộ đội ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay” B-52, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh sau đó.

Trong 12 ngày đêm, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu hơn 80.000 tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ. Riêng với Thủ đô Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 1.400 lượt máy bay, ném hơn 10.000 tấn bom tàn phá 8.000 ngôi nhà, 9.000 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, 100.000 m2 diện tích bị phá hủy, diện tích rải bom đạn là 17 km.

Chính quyền Mỹ cho rằng, loại vũ khí chiến lược như “siêu pháo đài bay" B-52, có thể ép được chúng ta ký Hiệp định Paris theo những điều khoản có lợi cho Mỹ.

Phi công Mỹ bị bắt sống bên xác máy bay. 

Kể về trận đánh ngày 27/12, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ “hồi hộp vô cùng, không phải lo máy bay nó bắn mình, mà chỉ sợ nó tắt mất đèn”.

Trung tướng Phạm Tuân lý giải, trận đầu tiên ông điều khiển máy bay bay lên, B-52 phát hiện bị bám đuôi nên tắt đèn chạy mất. Vì vậy, trận này ông tăng tốc độ hết sức, khoảng 1.500 - 1.600 km/giờ và bám đuổi, mắt chăm chú theo dõi, tay đặt lên nút bấm sẵn sàng bắn nếu địch tắt đèn. Vào cự ly 4km, Sở Chỉ huy cho phép bắn, nhưng ông vẫn muốn chờ. Và cho đến khẩu lệnh lần thứ 3, lúc đó, ông phóng hai quả tên lửa và bắn trúng máy bay B-52.

“Tôi bay về sân bay Yên Bái hạ cánh, hai chiếc F4 đuổi theo. Tôi vừa tiếp xuống đất, nó cũng bay qua lưng. Nếu mình chậm một chút nữa, chắc nó cũng bắn rơi mình ở khu vực sân bay. Xuống sân bay, tôi tắt đèn, nó không nhìn thấy nên bay đi”, Trung tướng Phạm Tuân nói.

Theo ông, sau 8 ngày không đánh được, chúng ta đã kịp thời rút kinh nghiệm và chính sáng tạo đó đã tạo nên cơ hội để chúng ta đánh B-52.

Đối với lực lượng Bộ đội tên lửa, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá Nguyễn Đình Kiên tự hào, dự báo trước được chiến lược, rút kinh nghiệm chiến đấu và tận dụng được tính năng vũ khí, khí tài nên bộ đội tên lửa bước vào chiến đấu rất tự tin, bởi khí tài có thể đánh được, kinh nghiệm có, trình độ bộ đội được nâng cao. Nhờ đó, trong 12 ngày đêm, bộ đội tên lửa đã bắn rơi tại chỗ 16 chiếc B-52 tại Hà Nội, trong đó, riêng tiểu đoàn của ông đã đánh 21 trận, bắn rơi 4 máy bay B-52, là một trong hai tiểu đoàn tên lửa bắn rơi B-52 nhiều nhất.

Đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô chưa từng có trong lịch sử, chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đây thực sự là một chiến công mang tầm vóc thời đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX, một trận “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội” lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân về nước; tạo bước ngoặt quyết định để quân và dân ta “đánh cho Mỹ cút”, tiến đến “đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: Cách đây tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng 12/1972, “pháo đài bay B-52” - biểu tượng sức mạnh của Không lực Hoa Kỳ bị đập tan trên bầu trời Hà Nội. Chiến thắng này buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước; tạo nên bước ngoặt quan trọng để quân và dân ta đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.

50 năm đã trôi qua, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" của quân, dân Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành miền Bắc vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, để lại những bài học sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của chúng ta hôm nay và mai sau.

Đó là sự đoàn kết, thống nhất, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, tài thao lược của Quân ủy Trung ương: Thủ đô là địa bàn chiến lược quan trọng, là mục tiêu đánh phá chủ yếu bằng không quân của đế quốc Mỹ. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần chứng minh đường lối chính trị, học thuyết quân sự đúng đắn của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, với tài thao lược của Quân ủy Trung ương thể hiện qua năng lực dự báo, phân tích, đánh giá đúng tình hình địch, tình hình ta, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, kịp thời; là quan điểm khoa học, toàn diện và thực tiễn, không chỉ đánh giá lực lượng quân sự mà đánh giá toàn diện trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa trong nước và thế giới, đánh giá đúng và vận dụng thành công mối quan hệ giữa thời cơ và điều kiện.

Thiếu nữ Làng hoa Ngọc Hà tưới hoa, đón mùa xuân Chiến thắng bên xác máy bay B52 Mỹ vừa bị quân và dân Hà Nội bắn rơi (12-1972).

Đó là về sự chủ động, bản lĩnh, nhạy bén, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù đối với Thủ đô Hà Nội. Từ đó, đề ra mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ và các chủ trương, giải pháp phù hợp để chủ động chuẩn bị chống địch tập kích đường không có hiệu quả cao.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đinh Tiến Dũng cho rằng: Phát huy truyền thống Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì Hòa Bình, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là bản hùng ca bất diệt, sáng ngời hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, là biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện sâu sắc bản lĩnh, ý chí, tầm cao trí tuệ và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chiến thắng đã đưa Hà Nội đã trở thành “Thủ đô của phẩm giá con người”, là biểu tượng của niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Cũng theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, Thủ đô Hà Nội - thành phố đông dân, là nơi tập trung cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, quân đội. Vì vậy, khi xảy ra chiến tranh, Hà Nội sẽ là một trong các mục tiêu hàng đầu của cuộc tập kích đường không của địch nhằm đánh đòn phủ đầu, gây rối loạn đất nước.

Đội trực chiến dân quân xã M huyện Từ Liêm (Hà Nội) cảnh giác cao, nổ súng kịp thời, góp phần cùng các đơn vị bạn bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.

Trong điều kiện như vậy, nếu công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh không được chuẩn bị chu đáo sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề, thương vong lớn, thiệt hại vật chất nhiều, nhân dân hoang mang. Do vậy, trong kế hoạch phòng thủ thành phố, đi đôi với kế hoạch sử dụng bộ đội chủ lực đánh trả tập kích đường không của địch, phải có kế hoạch phòng thủ dân sự tốt.

Trên địa bàn thành phố có nhiều thành phần lực lượng, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng vũ trang của thành phố có dân quân, tự vệ cấp xã và các cụm chiến đấu ngoại thành, nội thành. Tất cả các lực lượng phải được bố trí khéo léo phù hợp với kế hoạch phòng thủ chung, phù hợp với đặc điểm tình hình Thủ đô, phát huy hết khả năng và sở trường của các lực lượng, tạo thành sức mạnh tổng hợp của khu vực phòng thủ, đối phó với mọi tình huống nếu chiến tranh xảy ra.

Đó là đường lối chiến tranh nhân dân, “thế trận phòng không nhân dân” của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Quán triệt sâu sắc chủ trương, chỉ đạo của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng lực lượng nòng cốt là quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Phát huy sức mạnh tổng hợp, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được tạo bởi sức mạnh của sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; từ sự giúp đỡ, ủng hộ của Chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, của các lực lượng cách mạng, dân chủ hòa bình và của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần chú trọng tăng cường sức mạnh chính trị, tinh thần, ý chí chiến đấu cho toàn dân ngay từ thời bình nhằm đánh bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Phát huy tinh thần và những bài học lịch sử quý giá từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, 50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô không ngừng nỗ lực, phấn đấu thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc chắn rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn toàn độc lập; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta.

“Thành ủy Hà Nội đã tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ”, đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Tên lửa hiện đại của Tiểu đoàn 77, Trung đoàn tên lửa 257, Sư đoàn Phòng không 361, Quân chủng Phòng không - Không quân bảo vệ Thủ đô.

Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hiện nay, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp với tinh thần: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần bồi đắp, làm rạng rỡ thêm niềm tự hào của “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”; “Thành phố sáng tạo”, là điểm tựa tinh thần to lớn, thôi thúc, cổ vũ quân dân Thủ đô, vững bước trên con đường xây dựng Thủ đô ngày càng giàu mạnh.

Bài: Chí Bình (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: Viết Tôn - TTXVN
Video: Viết Tôn
Trình bày: Thái Chí

19/12/2022 12:19