* Ngày 5/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại Hội nghị, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang đã thông qua dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần và phân bổ người của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV trên địa bàn tỉnh Hà Giang và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đối với đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang: Về cơ cấu có 6 đại biểu, trong đó 4 đại biểu làm việc và cư trú tại địa phương, 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Trong số 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương có: 1 lãnh đạo chủ chốt tỉnh; 1 đại biểu chuyên trách; 1 đại biểu quân đội; 1 đại biểu do tỉnh hiệp thương, giới thiệu phù hợp với đặc thù địa phương. Về cơ cấu kết hợp do tỉnh giới thiệu, người dân tộc thiểu số giới thiệu ứng cử là 9 người, phụ nữ giới thiệu ứng cử 4 người, đại biểu trẻ tuổi 1 người, đại biểu tái cử 2 người. Phương án cơ cấu Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang gồm trưởng đoàn, phó trưởng đoàn chuyên trách, đại biểu kiêm nhiệm.
Đối với đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2025, có 57 đại biểu, trong đó, 29 đại biểu HĐND tỉnh tái cử; 28 đại biểu tham gia mới. Về giới tính, 17 đại biểu nữ, 40 đại biểu nam. Về độ tuổi, 3 đại biểu dưới 40 tuổi; 54 đại biểu đủ 40 tuổi trở lên. Về dân tộc, gồm 12 dân tộc, trong đó 31 đại biểu thuộc 11 dân tộc thiểu số, 26 đại biểu dân tộc Kinh; 2 đại biểu ngoài Đảng. Về cơ cấu ngành, lĩnh vực, 29 đại biểu ở cấp tỉnh; 3 đại biểu lực lượng vũ trang; 1 đại biểu doanh nghiệp, 24 đại biểu cấp cơ sở.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất rất quan trọng, nhằm thỏa thuận và thống nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm theo đúng quy định của luật.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nhất là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, các hướng dẫn của Trung ương để hiệp thương, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Trong đó, phải đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần Trung ương quy định; thực sự là các cá nhân tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, uy tín, trí tuệ, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng; trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp; có trình độ chuyên môn, có năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu và phải có sự liên hệ chặt chẽ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, cử tri. Quá trình thực hiện phải phát huy tính dân chủ rộng rãi.
Biểu quyết tại Hội nghị, 100% đại biểu thống nhất thông qua số lượng đại biểu phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV là 6 đại biểu, trong đó, có 4 đại biểu cư trú và làm việc tại Hà Giang, 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Về cơ cấu, số lượng đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021-2026 với đề xuất là 57 người, trong đó 29 đại biểu HĐND tỉnh tái cử; 28 đại biểu tham gia mới.
* Cùng ngày, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh Sơn La khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Dự kiến, số lượng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh Sơn La là 7 người; trong đó, 3 đại biểu Quốc hội ở các cơ quan Trung ương; 4 đại biểu Quốc hội ở địa phương. Cơ cấu định hướng khung làm căn cứ để giới thiệu ứng cử gồm: Lãnh đạo chủ chốt ở tỉnh 1 đại biểu, đại biểu chuyên trách 1 người, đại biểu Mặt trận Tổ quốc hoặc khối cơ quan 1 người. Cơ cấu kết hợp do địa phương giới thiệu ứng cử 10 người. Dân tộc Kinh giới thiệu ứng cử 2 người. Dân tộc thiểu số giới thiệu ứng cử 8 người. Phụ nữ giới thiệu ứng cử 4 người. Đại biểu ngoài Đảng giới thiệu ứng cử 1 người.
Theo báo cáo, dự kiến Sơn La giới thiệu 122 người để bầu 65 đại biểu HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, giảm 7 đại biểu so với số đại biểu đã được bầu nhiệm kỳ 2016-2021. Đại biểu được giới thiệu ứng cử dưới 40 tuổi là 17 người để bầu 12 đại biểu; phụ nữ giới thiệu 40 người để bầu 21 đại biểu; ngoài Đảng giới thiệu 12 người để bầu 5 đại biểu; đại biểu HĐND tái cử từ 20 đại biểu trở lên. Việc giới thiệu bảo đảm tỷ lệ hợp lý số đại biểu HĐND được bầu là người dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân số của từng địa phương.
Về cơ cấu đại biểu HĐND là cán bộ, công chức công tác tại tỉnh dự kiến 31 người; số lượng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tham gia đại biểu HĐND tỉnh dự kiến 29 đại biểu; số lượng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham gia đại biểu HĐND tỉnh dự kiến 10 đại biểu. Các cơ quan khối Đảng giới thiệu 6 người; thường trực, các ban của HĐND tỉnh khóa XV 9 người; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh 1 người; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh 3 người; cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh 5 người; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các thành viên 5 người; lực lượng vũ trang 3 người; các huyện, thành phố và các sở 91 người.
Hội nghị đã thảo luận và biểu quyết thống nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La Vi Đức Thọ - Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh đề nghị các địa phương và thủ trưởng các cơ quan lựa chọn những đại biểu đảm bảo đủ tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, giới thiệu Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hiệp thương đưa vào danh sách ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XV. Sau Hội nghị lần này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh sẽ có thông báo hướng dẫn các bước tiếp theo đúng quy trình, để công tác bầu cử đạt kết quả cao nhất.