Phát huy vai trò đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số

Là người con của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, nhiệm kỳ vừa qua (2015-2020), Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) đã có nhiều ý kiến đóng góp, truyền tải tâm tư, nguyện vọng của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đến với nghị trường Quốc hội.

Đại diện cho gần 50% dân số tại Gia Lai là người dân tộc thiểu số, bà Ksor H’Bơ Khăp kỳ vọng "Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030" mà Quốc hội đã thông qua sẽ thúc đẩy sự phát triển chung cho từng hộ gia đình người dân tộc thiểu số nơi đây.

Từ nghị trường Quốc hội

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp đặt câu hỏi chất vấn thành viên Chính phủ tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, ngày 6/11/2020. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp, sinh năm 1982, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, hiện là nữ đại biểu Quốc hội dân tộc Jrai duy nhất của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tham gia Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIV.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, trăn trở về mảnh đất lớn lên và đang sinh sống, bà Ksor H’Bơ Khăp đã nhiều lần có ý kiến tại nghị trường, đề nghị Quốc hội đưa ra những quyết sách phù hợp để giữ lại những khoảnh rừng Tây Nguyên đang ngày càng cạn kiệt. Theo bà Ksor H’Bơ Khăp, Tây Nguyên được mệnh danh là lá phổi xanh của cả nước, việc mất rừng ảnh hưởng đến môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái.

Nhờ những đóng góp cương quyết, mạnh mẽ của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai và các đại biểu ở địa phương có rừng, đặc biệt là các đại biểu ở vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo đóng cửa rừng. Tuy nhiên, điều này cũng gây ảnh hưởng đến đời sống của đại bộ phận người dân tộc thiểu số tại Việt Nam, bởi đời sống sinh hoạt, sản xuất của họ từ trước đến nay vẫn luôn gắn với núi rừng.

"Các vùng dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, Nhà nước cần đầu tư nâng cao đời sống người dân nơi đây. Như vậy, để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo vệ rừng là một thách thức rất lớn đối với các địa phương có rừng, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai", đại biểu Ksor H’Bơ Khăp cho biết thêm.

Là đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số, bà Ksor H’Bơ Khăp giữ trọng trách lớn trong việc là cầu nối bà con các thôn, làng dân tộc thiểu số tại Gia Lai với Đảng, Nhà nước và ngược lại. Bà mong muốn Nhà nước quan tâm, đầu tư hơn cho vùng dân tộc thiểu số để họ có cơ hội phát triển ngang bằng những vùng thuận lợi, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng cho từng dân tộc.

Phát biểu tại các cuộc họp Quốc hội, bà Ksor H’Bơ Khăp và các đại biểu là người đồng bào dân tộc thiểu số đã thể hiện được chính kiến của dân tộc, vùng miền trong quá trình đóng góp ý kiến cho các dự thảo luật để bảo vệ và giữ gìn văn hóa của dân tộc mình. Theo bà Ksor H’Bơ Khăp, khi Nhà nước ban hành Luật, Nghị quyết cần có những cơ chế đặc thù, linh hoạt riêng cho vùng dân tộc thiểu số, từng vùng miền để mỗi người dân cảm thấy mình được quan tâm, từ đó có sự cống hiến nhiều hơn cho đất nước.  

Đến thực thi vai trò tại địa phương

Chú thích ảnh
Trung tá Ksor H’Bơ Khăp, Trưởng công an thị xã Ayun Pa triển khai công việc trong đơn vị. Ảnh: TTXVN phát

Trở về địa phương, với vai trò lãnh đạo đơn vị Công an thị xã Ayun Pa (Gia Lai), Trung tá Ksor H’Bơ Khăp đã sáng tạo, vận dụng nhiều mô hình thiết thực, giúp người dân địa phương vừa chấp hành pháp luật, vừa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.

Điển hình như mô hình “Lắp đèn chiếu sáng cho xe công nông” tại thị xã Ayun Pa đang được triển khai và nhân rộng, hạn chế tối đa tai nạn liên quan đến loại xe này, trước đây là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông tại các tỉnh Tây Nguyên. Do vậy, năm 2020, thị xã Ayun Pa là một trong 2 địa phương có số vụ tai nạn thấp thứ 2 của tỉnh Gia Lai; không xảy ra vụ tai nạn hay va chạm giao thông nào liên quan đến xe công nông của người dân địa bàn.

Công an thị xã Ayun Pa đã cấm lưu thông đối với các xe máy độ chế vì hầu hết các đối tượng lâm tặc lợi dụng người dân tộc thiểu số tại các thôn, làng sử dụng các loại xe này để chở gỗ từ rừng xuống núi. Theo đó, Công an thị xã Ayun Pa đã phối hợp với một số ban, ngành đến tuyên truyền, vận động các cơ sở cam kết không sửa, không độ chế các loại xe gắn máy cho bất kỳ yêu cầu nào của người dân. Nếu cố tình lưu thông, Công an sẽ tạm giữ không hoàn trả. Bằng những chính sách quyết liệt, đến nay trên địa bàn thị xã Ayun Pa hầu như không còn chiếc xe máy độ chế nào. Do vậy, tình trạng phá rừng, vận chuyển gỗ cũng giảm đáng kể.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp trao nhà tình nghĩa cho người nghèo tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN phát

Đặc biệt, Trung tá Ksor H’Bơ Khăp cũng thường xuyên có các chuyến đi khảo sát cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số tại Gia Lai để có phản ánh khách quan, xác thực đến với Quốc hội. Qua đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, chính quyền địa phương đã quan tâm sâu sát hơn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Để vùng dân tộc thiểu số phát triển, cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt cần nâng cao vai trò của người đại biểu Quốc hội tại địa phương. Đây cũng là niềm hạnh phúc của người đại biểu Quốc hội, trước sự tín nhiệm của nhân dân.

Hồng Điệp (TTXVN)
Vận dụng hiệu quả chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Vận dụng hiệu quả chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phóng viên TTXVN tại Gia Lai đã có cuộc trao đổi với Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên, về hiệu quả của các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN