* Chiều 5/2, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố Cần Thơ, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố cho biết, việc chuẩn bị Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất đã được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chuẩn bị chu đáo, đúng theo quy định pháp luật. Thường trực HĐND thành phố và Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã có các Tờ trình về cơ cấu thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố Cần Thơ, nhiệm kỳ 2021-2026.
Thực hiện tinh thần của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, Hiến pháp và Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, thành phố Cần Thơ đã chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, đúng quy định về công tác bầu cử. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo để lãnh đạo công tác bầu cử trên địa bàn thành phố, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt các yêu cầu về công tác bầu cử.
Đến nay, các Quận ủy, Huyện ủy đều thành lập các Ban Chỉ đạo bầu cử, có văn bản hướng dẫn để chỉ đạo thực hiện công tác này. UBND thành phố thành lập Ủy ban Bầu cử thành phố, chỉ đạo UBND các cấp thành lập Ủy ban bầu cử để tổ chức điều hành công tác bầu cử của cấp mình, xây dựng các tiểu ban, tổ giúp việc, ban hành các kế hoạch, lịch trình công tác...
Theo kết quả tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu đã thống nhất số lượng đại biểu HĐND thành phố, nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu là 54 đại biểu; số lượng người được giới thiệu để ứng cử, tự ứng cử tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất là 110 người, trong đó, nữ có 42 người, chiếm 38,18%, dân tộc thiểu số 2 người, chiếm 1,82%, ngoài Đảng 12 người, chiếm 10,91%, dưới 40 tuổi (trẻ) 17 người, chiếm 15,45%, tái cử 21 người, chiếm 38,18%, tôn giáo 3 người, chiếm 2,73%.
Hội nghị thống nhất số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị thành phố Cần Thơ được bầu là 7 đại biểu, trong đó, 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương, 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Cần Thơ thống nhất với dự kiến phân bổ theo cơ cấu định hướng là: một đại biểu là lãnh đạo chủ chốt thành phố, một đại biểu chuyên trách, một đại biểu công an...
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong số 3 người Trung ương giới thiệu về Cần Thơ ứng cử, cần có 1 đại biểu nữ, vì hiện theo cơ cấu định hướng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cả 4 người ứng cử của thành phố Cần Thơ đều là nam.
* Chiều cùng ngày, tại thành phố Nha Trang, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Qua kết quả hiệp thương, 100% đại biểu tham dự Hội nghị đã thống nhất thỏa thuận giới thiệu 13 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có 3 người được Trung ương giới thiệu về, 10 người cư trú và làm việc tại địa phương. Đối với 10 người được địa phương giới thiệu, cơ cấu gồm: 4 người là nữ, 2 người tái cử. Các cơ quan, đơn vị có người được giới thiệu gồm: Thường trực Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Ninh Hòa, Trường Kỹ thuật Công nghệ, Hội Khuyến học tỉnh…
Tỉnh Khánh Hòa có 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV với số đại biểu được bầu là 7 đại biểu.
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã thỏa thuận số lượng 101 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó có 98 người được giới thiệu ứng cử và 3 người tự ứng cử. Theo cơ cấu, thành phần, 8 người được giới thiệu từ khối cơ quan Đảng, 6 người từ khối cơ quan dân cử, 13 người từ khối các cơ quan quản lý nhà nước, 13 người từ các tổ chức kinh tế…
Tỉnh Khánh Hòa hiện có số dân trên 1.231.100 người, căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sẽ có 53 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được bầu. Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, địa phương này có 14 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
* Ngày 5/2, Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình chủ trì Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Ninh Bình. Dự Hội nghị còn có thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban Bầu cử tỉnh Ninh Bình cùng các đại biểu tham dự tại hơn 150 điểm cầu trong toàn tỉnh.
Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình Trần Hồng Quảng đã thông báo nhanh kết quả Đại hội XIII của Đảng, đồng thời quán triệt Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 04-CT/TU của Tỉnh ủy Ninh Bình về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các chỉ thị, kế hoạch quan trọng khác của Trung ương và địa phương. Hội nghị đã phân tích, thảo luận và làm rõ nhiều vấn đề liên quan.
Kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cuộc vận động chính trị quan trọng, là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội để mọi công dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thực sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Để lãnh đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung nghiên cứu, nắm vững những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, nội dung cốt lõi và vấn đề mới để khẩn trương cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai cuộc bầu cử. Đối với công tác nhân sự, trong quá trình thực hiện, vừa phải phát huy vai trò lãnh đạo tập trung của các cấp ủy đảng, vừa phải bảo đảm tính dân chủ rộng rãi trong nhân dân.
Việc triển khai công tác bầu cử trong thời gian tới với khối lượng công việc rất lớn, trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đề nghị bí thư cấp ủy, người đứng đầu các tổ chức đảng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cuộc bầu cử tại địa phương bảo đảm đúng tiến độ, đúng quy định.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng kết quả Đại hội XIII của Đảng; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tiễn.
Các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nội dung văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về tổ chức các hoạt động nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021; chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới và vui Xuân, đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
* Ngày 5/2, tại Hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, do Tỉnh ủy Nam Định tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Hồng Phong yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công cuộc bầu cử với tinh thần dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong tỉnh phải lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy tính dân chủ, tập trung, thống nhất trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của Đại hội đảng bộ các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người thực sự tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định; xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Đặc biệt, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định nhấn mạnh, việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp phải đảm bảo theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, đảm bảo các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo đúng quy định của pháp luật.
Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; đồng thời động viên mọi cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử.
Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử và kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối; chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.
Các Huyện ủy, Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác bầu cử; làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử ở địa phương; giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp ở địa phương.