Nghị quyết gồm 3 Điều, có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020. Nghị quyết này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập.
Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý về nghị quyết này do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày cho thấy: Nội dung của nghị quyết hướng tới các doanh nghiệp khó khăn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, có khả năng tiếp cận vốn hạn chế, doanh thu thấp, thị trường hẹp, ít lao động nhưng lại chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường lao động và nền tảng quản lý, công nghệ chưa phát triển, khả năng phục hồi sau dịch khó khăn hơn. Mặt khác, nếu áp dụng cả 4 tiêu chí về lao động, doanh thu, vốn và có sự phân biệt theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động như quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa làm cơ sở xác định đối tượng được giảm thuế sẽ khó để triển khai hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp ngay trong năm 2020.
Nếu lấy tiêu chí doanh thu sẽ phản ánh thực chất kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đúng bản chất kinh tế, thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc kê khai thuế và công tác quản lý của cơ quan thuế. Trường hợp chỉ áp dụng đối với những đối tượng có doanh thu năm 2020 giảm so với doanh thu năm 2019 thì các doanh nghiệp mới thành lập năm 2020 sẽ không có doanh thu của năm 2019 để đối chiếu và dễ phát sinh tiêu cực khi tổ chức thực hiện.
Bỏ tiêu chí về số lao động đóng bảo hiểm để bảo đảm tính công bằng cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và bổ sung đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có quy mô vừa trong dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, tiêu chí xác định doanh nghiệp có quy mô vừa được giảm thuế là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, tương đương với tiêu chí về doanh thu để xác định doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, do tình hình khó khăn nên nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ khó đạt doanh thu 200 tỷ đồng.
“Việc thực hiện mở rộng đối tượng được giảm thuế nêu trên thì số giảm thu ngân sách nhà nước năm 2020 tăng từ 15.840 tỷ đồng lên khoảng 23.000 tỷ đồng so với phương án Chính phủ trình”, ông Nguyễn Đức Hải nói.
Đối với đề nghị kéo dài thời hạn hiệu lực của Nghị quyết đến hết năm 2021, theo Ủy ban Thường vụ, đến thời điểm hiện nay, dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam cơ bản đã được khống chế, tình hình dịch bệnh trên thế giới đang có chiều hướng suy giảm. Việt Nam và các nước đang dần nới lỏng các biện pháp phòng ngừa quyết liệt, hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi. Bên cạnh đó, việc kéo dài việc giảm thuế sẽ gây áp lực lên điều hành ngân sách qua các năm.
“Trong trường hợp kinh tế nước ta vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn vào cuối năm hoặc sang đầu năm sau, nếu cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét trình Quốc hội kéo dài thời hạn hiệu lực của Nghị quyết”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói.