Báo cáo với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, phát triển năng lượng, nhất là phát triển năng lượng tái tạo, đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Đến nay, Bạc Liêu có 10 dự án Nhà máy điện gió đã và đang được đầu tư, với tổng công suất 660,2 MW; trong đó hoàn thành đưa vào hoạt động 8 dự án, tổng công suất 469,2 MW (đứng thứ 3 cả nước). Tổng sản lượng điện gió đến nay đạt trên 3,35 tỷ kWh, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh cho địa phương, nhất là tăng nguồn điện sạch, an toàn, thân thiện môi trường.
Tỉnh đang thực hiện hai dự án điện gió với tổng công suất 191 MW. Đến cuối tháng 6/2023, Bạc Liêu có 1.615 hệ thống điện mặt trời áp mái, với tổng công suất gần 184 MW, tổng sản lượng các hệ thống điện mặt trời mái nhà đạt khoảng 553 triệu kWh/năm. Đặc biệt, dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW đang trong quá trình hoàn chỉnh thủ tục để khởi công dự án.
Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, ban hành cơ chế giá điện về lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NQ-CP về kinh doanh xăng dầu, nhất là nội dung quy định mức chiết khấu, vấn đề đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu yên tâm hoạt động.
Bạc Liêu kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét, hạn chế tối đa việc cắt giảm công suất các nhà máy điện gió và hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất trên 100 kWp; sớm đầu tư dự án lưới điện 110 kV, 220 kV, 500 kV đồng bộ với các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh, đảm bảo giải tỏa hết công suất dự án nhà máy điện gió thời gian tới.
Riêng đối với dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW, tỉnh kiến nghị sớm ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án đường dây 500KV từ Bạc Liêu đi Thốt Nốt (Cần Thơ) theo Quy hoạch điện VIII; cam kết đảm bảo thời điểm nhà máy được đấu nối lên lưới điện quốc gia theo tiến độ đưa nhà máy vào vận hành năm 2027; cam kết đảm bảo EVN mua điện của dự án để nhà đầu tư có tiền trả nợ vốn vay quốc tế.
Các thành viên Đoàn giám sát cùng lãnh đạo các sở, ngành đã trao đổi về tình hình cung cầu năng lượng; tác động môi trường tại nhà máy điện gió; việc tích hợp phương án phát triển điện lực vào Quy hoạch chung của tỉnh; tình hình thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; các dự án năng lượng chậm tiến độ trên địa bàn cũng như khó khăn, vướng mắc trong xử lý…
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao UBND tỉnh Bạc Liêu đã chuẩn bị chu đáo các nội dung phục vụ buổi làm việc. Tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện nhằm triển khai chính sách, pháp luật, tổ chức thực hiện các quy hoạch năng lượng phù hợp văn bản pháp luật của Trung ương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương cũng như khu vực.
Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Bạc Liêu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc phát triển năng lượng tái tạo và dịch chuyển năng lượng hiện nay đang trong giai đoạn đầu, còn khó khăn về khả năng hấp thụ năng lượng tái tạo của hệ thống điện quốc gia, chưa có quy chuẩn về mức độ duy trì ổn định công suất, điện năng phát lên lưới điện và chưa có quy định yêu cầu về tích trữ điện năng dự phòng trong các nhà máy điện năng lượng tái tạo. Các dự án năng lượng gió, mặt trời sử dụng mặt bằng khá lớn sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực khác nhau đến môi trường. Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, tuy nhiên cơ chế về giá điện, lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) chưa được ban hành nên chưa thể triển khai các dự án.
Đối với vấn đề xử lý các dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu UBND tỉnh Bạc Liêu tập trung chỉ đạo cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý. Tỉnh cần tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát và cơ quan liên quan, hoàn chỉnh Báo cáo kết quả giám sát và gửi lại trước ngày 15/8/2023.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn giám sát đã làm việc với lãnh đạo Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 và Hòa Bình 1 nằm trên địa bàn huyện Hòa Bình.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp nêu kiến nghị cơ quan chức năng xem xét ưu tiên cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ để đảm bảo việc vận chuyển vật tư xây dựng công trình; đầu tư Bến cảng tổng hợp nhằm vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng. Bên cạnh đó, tuyến truyền tải điện 500kV theo Quy hoạch điện VIII sớm đầu tư để truyền tải toàn bộ công suất nguồn của các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu từ nay đến năm 2030.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao tinh thần phối hợp giữa chính quyền địa phương và các nhà đầu tư trong triển khai các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục phát huy công tác phối hợp với chính quyền địa phương; quan tâm ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, vận hành doanh nghiệp; phát triển điện gắn liền với việc bảo vệ môi trường vùng ven biển, bảo đảm sinh kế cho người dân vùng dự án.