Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp triển khai khá tốt công tác giám sát về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước tại địa phương đúng mục đích, ý nghĩa, đem lại hiệu quả, chưa xảy ra vi phạm, tiêu cực, trục lợi cá nhân.
Bà Bùi Thị Thơm lưu ý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cần bổ sung, hoàn chỉnh số liệu, quy trình giám sát; tiếp tục triển khai giám sát những nội dung chưa giám sát theo quy định; tăng cường công tác giám sát chuyên đề.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh Đồng Tháp cần đẩy mạnh tuyên truyền với hình thức phong phú để nhân dân hiểu đúng về chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bên cạnh chi hỗ trợ theo chính sách, hệ thống chính trị địa phương cần tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thêm cho lực lượng tuyến đầu, người dân bị ảnh hưởng vì dịch.
Báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cho thấy, toàn tỉnh có hơn 319.000 lượt người được hưởng chế độ, chính sách theo Nghị quyết 68-NQ/CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với số tiền trên 551 tỷ đồng. Tỉnh đã chi hỗ trợ cho nhiều lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; lao động tự do; hộ kinh doanh ngừng hoạt động; hỗ trợ trẻ em, người điều trị, cách ly y tế…
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại 4 huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh. Đặc biệt, thông qua hình thức tin nhắn, cuộc gọi đến số điện thoại của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp (đã công khai rộng rãi); thông tin nội bộ các nhóm Zalo và phản ánh đến Tổng đài 1022, trên 1.100 lượt ý kiến liên quan đến những chính sách hỗ trợ đã được ngành chuyên môn tiếp nhận, phối hợp giải đáp kịp thời.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin được phát huy trong công tác giám sát, đảm bảo thông tin thông suốt từ tỉnh đến cơ sở và tổ nhân dân tự quản, kịp thời tuyên truyền, phổ biến chính sách, nắm bắt dư luận, tình hình đời sống người dân, tiến độ và kết quả triển khai thực hiện quy trình hỗ trợ người dân…; từ đó, giúp hệ thống Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh kịp thời theo dõi, giám sát công tác này và phản ánh sớm nhất đến cơ quan chức năng giải quyết, xử lý những vấn đề mà người dân quan tâm liên quan đến chính sách. Tuy nhiên, trong quá trình giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COID-19, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Chưa triển khai được nhiều hoạt động kiểm tra công tác giám sát; chưa tổ chức những hoạt động giám sát bằng hình thức đoàn giám sát…
Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành đã đến kiểm tra công tác giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại thành phố Sa Đéc.